"Tôi cho rằng, trong vòng 20 năm tới, chúng ta sẽ biết được rằng con người không đơn độc trong vũ trụ", RT dẫn lời nhà thiên văn học Kevin Hand của NASA, nhận định.
Dự kiến trong giai đoạn 2017-2018, NASA sẽ triển khai Vệ tinh Khảo sát Hành tinh ngoài hệ Mặt Trời (TESS) và Kính thiên văn Không gian James Webb, nhằm mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
4 kính thiên văn của TESS sẽ tìm kiếm dấu hiệu của các hành tinh quay quanh sao chủ và có đặc điểm phù hợp. Thông tin chi tiết sau đó sẽ được Kính thiên văn Không gian James Webb kiểm tra nhằm xác định liệu hành tinh đó có chứa nước, oxy và bầu khí quyển hay không.
Theo giáo sư Sara Seager của Viện Công nghệ Massachusetts, một lúc nào đó trong tương lai gần, con người có thể chỉ vào một ngôi sao và nói "ở đó có một hành tinh giống Trái Đất".
Vào thời điểm 5 năm trước đây, các nhà khoa học chưa biết rằng nhiều khả năng 10-20 % các ngôi sao có hành tinh quay quanh với kích thước tương đương Trái Đất, trong vùng có thể sinh sống được.
Theo các nhà nghiên cứu, Dải Ngân hà chứa khoảng 400 tỷ ngôi sao. Trong khi đó kết quả thu được từ kính thiên văn vũ trụ Kepler cung cấp số lượng thông tin không nhiều. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là hệ thống kính thiên văn vũ trụ, các nhà khoa học tin rằng họ sẽ có nhiều phát hiện mới mẻ về cuộc sống ngoài hành tinh.
Linh Anh