Các kỹ sư ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida, Mỹ, bắt đầu sắp xếp robot thăm dò sao Hỏa và phần cứng liên quan ở cấu hình thích hợp để cất cánh, dự kiến vào ngày 17/7. Quá trình bọc gói bắt đầu từ ngày 23/4. Trong ngày đó, mẫu robot to bằng chiếc xe hơi được lắp ráp thiết bị "sky crane" giúp Perseverance hạ xuống bề mặt sao Hỏa bằng dây cáp. Thiết kế này từng được áp dụng thành công cho robot Curiosity vào tháng 8/2012.
"Gắn robot tự hành vào tầng hạ cánh là một cột mốc quan trọng với đội kỹ sư bởi đây là những bộ phận tàu vũ trụ đầu tiên cùng cất cánh và cũng là phần cuối cùng tách ra khi đến sao Hỏa", David Gruel, quản lý lắp ráp, thử nghiệm và vận hành phóng robot tự hành Perseverance ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA tại Pasadena, California, Mỹ, cho biết. "Chúng sẽ đồng hành cùng nhau cho tới khi ở cách bề mặt sao Hỏa 20 m".
Một cột mốc lớn khác trong giai đoạn chuẩn bị diễn ra hôm 29/4 khi các kỹ sư gắn thiết bị sky crane (một loại thiết bị dùng động cơ phản lực để hãm tốc độ hạ cánh) với lớp vỏ sau, cấu trúc hình nón chứa hệ thống dù và giúp bảo vệ phần cứng của tàu vũ trụ trong hành trình xuyên qua khí quyển sao Hỏa.
Perseverance sẽ hạ cánh bên trong miệng hố Jezero rộng 45 km của sao Hỏa vào tháng 2/2021. Robot tự hành sẽ thực hiện hàng loạt nhiệm vụ khoa học ở khu vực này, nơi có một hồ nước và thung lũng sông cổ đại. Nó sẽ tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại trên sao Hỏa, phân tích đặc điểm địa chất khu vực, thu thập và lưu giữ mẫu vật mang về Trái Đất.
Đội kỹ sư đã bắt đầu luyện tập cho các hoạt động này. Hồi tháng 2, 7 thành viên trong đội di chuyển tới lòng hồ khô cạn ở Nevada với thiết bị tương tự những dụng cụ của Perseverance. Họ thực hành thu thập dữ liệu sau khi nhận chỉ dẫn từ các thành viên khác trên khắp thế giới, mô phỏng quá trình hướng dẫn robot khám phá hành tinh đỏ.
An Khang (Theo Space)