Thông tin nêu bởi ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Napas, tại chương trình Chuyển đổi số Ngân hàng 2024, diễn ra ngày 25/4. Sự kiện có chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số" dưới sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước; tổ chức bởi Thời báo Ngân hàng phối hợp với Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan.
Đây là năm thứ ba sự kiện được tổ chức. Tham dự chương trình, các lãnh đạo tổng kết, đánh giá hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng ở nhiều phương diện: kiến tạo thể chế, nâng cấp hạ tầng công nghệ, ứng dụng dữ liệu, phát triển sản phẩm dịch vụ, tiện ích, đảm bảo an ninh an toàn. Qua đó, chương trình góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sự kiện còn hỗ trợ thúc đẩy tài chính toàn diện, lan tỏa tinh thần, thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số ngân hàng.
Hiện nay, ngân hàng số không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, tối đa lợi ích người dùng. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Quá trình này giúp dịch vụ ngân hàng gần hơn với người dân và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, góp phần đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không tiền mặt hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá. Trong tháng 1 năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến hơn.
Với vai trò đơn vị cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, Napas đã xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại cũng như tương lai. Đơn vị phát triển các sản phẩm đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường.
Ông Nguyễn Hưng Nguyên cho biết, giao dịch thanh toán điện tử đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 20% mỗi năm. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng của Napas là đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt. Song song là việc đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện.
Napas cũng đưa ra các giải pháp thanh toán mới qua thẻ, tài khoản như giải pháp số hóa điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone), cho phép biến chiếc điện thoại di động thành máy thanh toán thẻ (Soft POS). Ngoài ra còn có dịch vụ số hóa thẻ trên nền tảng thiết bị di động và các website, ứng dụng thương mại điện tử (Tap to pay) dự kiến sớm được ra mắt trong thời gian tới.
Đơn vị đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID. Đến nay, Napas đã triển khai thí điểm một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người dân. Công ty cũng phối hợp cơ quan quản lý nhằm giám sát, phát hiện sớm tài khoản có dấu hiệu gian lận, giả mạo nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi thực hiện giao dịch.
Minh Huy