Mục tiêu do ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Napas nói tại hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" ngày 21/5. Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Minh trình bày tổng quan về thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam. Trong đó, vai trò và tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa (thẻ Napas) được nhấn mạnh.
Theo dữ liệu Hiệp hội thẻ Việt Nam năm 2023, thị trường đã có hơn 133 triệu thẻ đang lưu hành. Tổng doanh số sử dụng thẻ năm 2023 đạt khoảng 3,7 tỷ đồng, trong đó tổng doanh số thanh toán khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và doanh số giao dịch rút tiền khoảng 2,2 triệu tỷ đồng.
Tính riêng về thẻ tín dụng, so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, số lượng thẻ tín dụng phát hành trên thị trường Việt Nam đạt khoảng 11 triệu thẻ và phủ 4% dân số (2022). Trong khi đó, độ phủ của thẻ tín dụng của các quốc gia như Thái Lan là 11%, Trung Quốc là 22%, Malaysia là 23%, Singapore là 51% dân số.
Lãnh đạo Napas cho biết thêm, tính đến hết năm 2023, số lượng thẻ tín dụng nội địa do đơn vị phối hợp các ngân hàng, công ty tài chính triển khai đạt khoảng 860.000 thẻ. Doanh số thẻ tín dụng Napas năm 2023 tăng trưởng hơn 234% nhưng mới chỉ đạt 0,5-0,9% doanh số toàn thị trường.
Đại diện Napas kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cũng như hạn chế vấn nạn tín dụng đen. Loại thẻ này có đủ tính năng như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày... Thẻ còn có thể thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận trong nước, thanh toán trực tuyến (online), rút tiền ở một số quốc gia. Ngoài ra, thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp cũng là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông. Người dùng thẻ có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng và công ty tài chính.
Thời gian tới, đơn vị liên tục cập nhật ứng dụng các công nghệ thanh toán mới cho thẻ tín dụng nội địa nhằm phát huy tính tiện lợi trong việc sử dụng thẻ cho người dùng cuối.
Trong năm 2023, Napas triển khai giải pháp số hóa thiết bị chấp nhận thanh toán, cho phép biến thiết bị di động thành thiết bị thanh toán (Tap to phone). Trong thời gian tới, công ty tiếp tục triển khai giải pháp số hóa thẻ và thanh toán trên thiết bị do động (Tap to pay).
Đại diện Napas khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên để thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa. Từ đó đơn vị góp phần phát triển thị trường thanh toán và hỗ trợ thực hiện mục tiêu quan trọng về chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ và ngành ngân hàng.
Thái Anh