Thứ tư, 26/9/2018, 12:19 (GMT+7)

Naomi Osaka và hành trình trở thành ngôi sao phương Đông

Osaka không thích cuộc sống hào nhoáng . Nhưng danh hiệu Mỹ Mở rộng 2018 đã khép lại quãng đời bình lặng của cô.

"Choáng ngợp" có lẽ là từ phù hợp nhất để nói về cảm xúc của Osaka, cô gái Nhật Bản sinh năm 1997, với những đổi thay sau khi Mỹ Mở rộng khép lại. Nếu chức vô địch Indian Wells đã phát đi một tín hiệu, thì thành công tại giải Grand Slam cuối cùng trong năm 2018 là một sự xác tín: Osaka quả thực là một ngôi sao. Osaka thậm chí còn là ngôi sao sáng nhất trong làng tennis nữ hiện tại.

Và sự thay đổi ấy khiến Osaka đôi khi tự hỏi: đây là cuộc sống thực, hay chỉ là một ảo ảnh? Đầu tiên là hợp đồng 8,5 triệu đôla với Adidas, tiếp nối là một cuộc đón tiếp trọng thể tại Yokohama như một người hùng của dân tộc Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cũng viết lời chúc mừng cô trên Twitter. Rất nhanh chóng, Nissan mời cô làm đại sứ thương hiệu. Lịch làm việc kín mít, Osaka xuất hiện trên những show truyền hình lớn nhất nước Mỹ, từ Today của NBC cho đến show của Ellen DeGeneres.

Osaka vẫn tỏ ra ngượng ngùng khi xuất hiện trong chương trình của Ellen DeGeneres. 

"Tôi không thể tin có ngày được gặp cô ngoài đời", Osaka nói với Ellen DeGeneres - ngôi sao truyền hình mà tay vợt này hâm mộ. Cũng trong buổi nói chuyện, Osaka tiết lộ những gì mà Serena Williams đã nói với cô sau trận chung kết Mỹ Mở rộng. "Chị ấy bảo rất tự hào về tôi, chị ấy nhấn mạnh: những tiếng la ó của khán giả hoàn toàn không nhắm vào tôi. Nghe thế tôi nhẹ nhõm lắm, vì lúc ấy tôi chỉ nghĩ cả sân đang phản ứng với mình. Lúc ấy rất ồn, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa, và tôi đã thực sự bối rối".

Osaka sẽ phải học cách sống như một ngôi sao. Còn về mặt chuyên môn, cô chẳng cần phải chứng minh điều gì nữa. Khi cầm vợt bước vào sân, Osaka thực sự là một con quái vật. Nhiều người đã so sánh cách đánh của cô với Serena. Điều này cũng chẳng có gì lạ, vì Serena là hình mẫu của cô. Giống thần tượng đàn chị, Osaka cũng có một người chị đánh quần vợt chuyên nghiệp - Mari. Nhưng Serena đã có 23 Grand Slam và ở tuổi 37, vẫn đang tỏ ra sung sức để đuổi theo kỷ lục 24 lần vô địch của Margaret Court. Còn chặng đường để trở nên vĩ đại của Osaka chỉ mới khởi đầu.

Naomi Osaka (bên trái) chụp cùng bố mẹ và chị gái Mari thuở bé. 

Công chúng tò mò về Osaka cũng bởi quá khứ lạ lùng và đa văn hóa của cô. Mẹ của cô, bà Takami, là một người Nhật Bản. Bà đang theo nghiệp nghiên cứu ở Sapporo thì gặp một thanh niên da màu, có cái tên rõ hay Leonard Maxime Francois. Leonard sinh ra ở Haiti, nhưng lớn lên tại Mỹ nên mang quốc tịch Mỹ. Họ lén lút yêu nhau, bởi gia đình Takami không chấp nhận một anh chàng da màu lại chẳng có sự nghiệp rạng rỡ gì yêu tiểu thư nhà họ.

Như nàng Trác Văn Quân ngày xưa yêu tiếng đàn của Tư Mã Tương Như, nửa đêm trèo tường... theo trai, Takami cùng với người tình rời bỏ Sapporo đến Osaka sinh sống. Mười năm đằng đẵng, gia đình Takami từ mặt cô con gái, không hề có thư từ liên lạc gì. Rồi hai người sinh con đẻ cái, quyết định để con gái theo họ mẹ là Osaka, cũng là thành phố mà cả nhà sinh sống. Như thế thì dễ xin vào trường đi học hơn là theo họ bố. Xã hội Nhật Bản có xu hướng chấp nhận một người mẹ đơn thân dễ dàng hơn là một phụ nữ có chồng da màu.

Hai chị em Osaka được hướng theo quần vợt từ rất sớm.

Năm 1999, bước ngoặt xảy ra với Osaka và cả gia đình trong một lần ông bố Leonard ngồi xem TV. Đài đang truyền hình trực tiếp trận chung kết Roland Garros, hai chị em Venus và Serena vô địch nội dung đánh đôi ở tuổi 17 và 18. Leonard quyết tâm phải cho hai cô con gái của ông đi theo con đường quần vợt.

Suy nghĩ đi liền với hành động. Khi Osaka lên 3 tuổi, ông Leonard đưa cả gia đình sang Long Island sinh sống, cậy nhờ cha mẹ ruột của ông. Rồi ông mua hàng loạt sách và video quần vợt về học, sau đó dạy lại cho con mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn New York Times sau này, Osaka thừa nhận là cô từng không thích cứ phải tập mãi một động tác đánh bóng. Nhưng cô luôn có một mục tiêu rất rõ ràng: phải đánh bại chị ruột. Mỗi ngày, Osaka đều nói: “Ngày mai, em sẽ thắng chị”.

Năm 2006, chị em Osaka rời nhà ông bà nội để chuyển sang South Florida. Ở đó, họ tập tennis vào ban ngày và học vào ban đêm. Cuộc đời hai cô gái đến khổ vì kế hoạch của ông bố. Họ không được chơi búp bê, không có nhiều bạn bè. Hai chị em chỉ có duy nhất một con đường: trở thành ngôi sao tennis. Leonard cũng nhắc nhở hai con gái phải luôn duy trì quốc tịch Nhật Bản, để sau này còn... kiếm được tiền marketing từ thị trường ấy.

Ông Leonard có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho hai con. 

Đà tiến bộ của Mari bị đình trệ bởi một chấn thương nặng. Trong khi đó, Osaka căn cơ hơn và âm thầm leo cao trên các bảng xếp hạng. Chiến công đầu tiên đến tại Indian Wells hồi tháng 3/2018. Khi lên nhận danh hiệu, cô khiến tất cả bật cười bởi sự thừa nhận chân thành: "Đây có lẽ là diễn văn nhận Cúp tệ nhất mà mọi người từng nghe".

Một tuần sau đó, Osaka chạm trán thần tượng Serena ngay vòng một của giải Miami và giành chiến thắng dễ dàng sau hai set. Đấy có thể là báo hiệu cho thời khắc chuyển giao giữa một ngôi sao đã lớn tuổi, chào đón sự vươn lên của một vì sao mới. Hôm ấy, Serena mỉm cười bắt tay Osaka và chúc mừng cô gái trẻ. Osaka cũng chỉ khiêm tốn trả lời: "Với tôi, được thi đấu với Serena là một ươc mơ thành sự thật".

Họ tái ngộ nhau ở chung kết Mỹ Mở rộng hôm 8/9 vừa qua. Lần này không còn nụ cười nữa, mà là những tiếng chửi thề, tiếng vợt đập xuống sân, những tiếng thét uất nghẹn. Và cả sân hôm ấy cũng đứng về phía Serena, để tạo ra những âm thanh la ó. Họ nhắm vào vị trọng tài mà Serena cho là đã có nhiều quyết định gây bất lợi cho cô, nhưng làm sao một tay vợt trẻ nhút nhát như Osaka hiểu được điều đó. 

Trong cái ngày mà cô chạm tay vào Grand Slam đầu tiên để thỏa niềm mơ ước, mà thực ra là mơ ước của cha, điều Osaka nhận được là những tiếng la ó, dù nó nhắm vào trọng tài. Serena sau đó có ôm cô để an ủi và ra dấu cho đám đông im lặng, nhưng ngày vui của cô gái Nhật Bản đã bị phá hỏng mất rồi. Osaka kéo mũ xuống che mặt, không muốn người ta nhìn thấy gương mặt bối rối và những giọt lệ của cô.

Nhưng khi lùm xùm từ trận chung kết tan đi, Osaka xuất hiện trở lại, trên trang nhất của các tạp chí quần vợt, trên những mẫu quảng cáo, đẹp rạng rỡ với nụ cười rõ tươi. Tay vợt Nhật Bản đầu tiên đăng quang ở Grand Slam. Cô trèo lên vị trí thứ bảy trên bảng xếp hạng WTA. Trên show của Ellen, Osaka thừa nhận rất hâm mộ diễn viên Michael B. Jordan trong bộ phim Black Panther. Ellen, với bản tính nghịch ngợm như thường lệ, đã gửi ngay cho chàng diễn viên tấm ảnh chụp cùng với Osaka. Trong bức ảnh ấy, Ellen che mặt. Kết thúc show ấy, nhà vô địch Mỹ Mở rộng retweet lại tấm ảnh này và viết: “Chắc tôi phải rời khỏi hành tinh này mất”.

Dù Osaka có rời khỏi hành tinh này, thế giới vẫn sẽ dõi theo cô. Thời gian bình lặng đã hết, Osaka đã trở thành một ngôi sao. Không những thế, cô còn là một vì sao phương Đông.

Thủy Tiên