2018 ghi nhận một năm thi đấu đột phá trong sự nghiệp của Osaka. Trước khi vào chung kết Mỹ Mở rộng, cô gái 20 tuổi đã lập kỷ lục trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong một thập kỷ của Indian Wells.
Ở giải đấu ấy, Osaka cho người xem cảm giác cô có thể đánh bại bất kỳ ai. Chưa từng đăng quang ở WTA và không được xếp làm hạt giống, Osaka vẫn chơi tự tin để hạ cựu số một thế giới Sharapova tại vòng một. Tới tứ kết, tay vợt mang trong mình dòng máu Nhật Bản - Haiti tiếp tục vượt qua một cựu số một khác là Karolina Pliskova chỉ sau hai set.
Osaka sau đó đè bẹp luôn đương kim số một thế giới Simona Halep trong trận đấu mà đối thủ người Romania chỉ thắng nổi ba game. Tài năng trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của cựu tay vợt Harold Solomon tiếp tục thắng dễ trước Kasatkina ở chung kết, lần đầu chạm tay vào chiếc cup WTA.
Trong lễ trao giải, cô gái trẻ run đến mức không biết nói gì khi phóng viên đặt câu hỏi. “Đây có lẽ là bài phát biểu tệ nhất mọi thời đại”, Osaka thừa nhận sau những câu trả lời ấp úng.
Trên sân bóng, Osaka tràn đầy tự tin và không cho thấy một chút sợ hãi. Nhưng khi rời sân, cô trở lại với hình ảnh của một thiếu nữ nhẹ nhàng, ít nói. Đó là cá tính thừa hưởng từ người mẹ Tamaki, người đã đưa hai chị em Osaka tới Mỹ khi mới vài tuổi. Cha cô, Leonard Francois, là một sinh viên người Haiti học tại Mỹ.
Chính ông Francois đã quyết định giữ quốc tịch Nhật Bản của Osaka và đăng ký cô vào Hiệp hội Quần vợt nước này. Tháng Tư vừa qua, Osaka là nhân tố chủ lực giúp đội tuyển xứ sở mặt trời mọc đánh bại tuyển Anh trong khuôn khổ giải đồng đội Fed Cup.
Osaka và gia đình muốn giữ bản sắc Nhật Bản trong con người cô. Nhưng nếu chỉ xét trên phong cách thi đấu, tài năng trưởng thành từ Florida là một “sản phẩm” đặc trưng của quần vợt Mỹ. Nhờ thể hình cao lớn, Osaka có thể giao bóng đạt tốc độ 200km/h và tung ra những cú đánh nặng sau vạch baseline. Việc cô thần tượng Serena Williams, người có ngoại hình tương đồng, càng giúp lối chơi của Osaka trở nên mạnh mẽ hơn.
“Cả đời tôi, tôi chỉ muốn được đối đầu với Serena”, Osaka nói trong cuộc họp báo trước khi gặp tượng đài người Mỹ ở vòng một Miami Open năm nay. Sau đó, cô gây sốc khi thắng chóng vánh Serena với tỷ số 6-3, 6-2.
Osaka bắt đầu nổi lên từ năm ngoái khi lọt vào top 100 thế giới. Nhưng cô chỉ thực sự nâng tầm bản thân từ khi hợp tác với HLV Sascha Bajin – người thường xuyên đánh tập cho Serena. Vị HLV người Serbia từng chỉ bảo hai cựu số một thế giới là Victoria Azarenka và Caroline Wozniacki.
Sau khi chia tay Wozniacki cuối năm ngoái, Bajin nhận lời dẫn dắt Osaka và nhanh chóng nhận ra tiềm năng của học trò. “Cô ấy đủ khả năng vô địch Grand Slam”, Bajin trả lời trên tạp chí GQ. “Cô ấy có giữ được sự điềm tĩnh hay không ư? Tôi chưa bao giờ nghi ngờ điều đó, kể cả sau khi cô ấy vô địch Indian Wells”.
Số danh hiệu Grand Slam của Serena lúc này còn nhiều hơn số tuổi của Osaka. Họ cách nhau 16 tuổi, và đó là bề dày kinh nghiệm không thể san lấp. Nhưng trong trận chung kết Mỹ Mở rộng sắp tới, Serena có nhiều lý do để lo lắng.
“Cô ấy đã tiến bộ theo cách không thể tin nổi”, chủ nhân 23 danh hiệu Grand Slam nhận xét về Osaka. “Tôi không nghi ngờ cô ấy sẽ trở thành tay vợt hàng đầu trong tương lai. Trận chung kết sẽ rất khó khăn và tôi hy vọng cả hai sẽ cống hiến nhiều pha bóng đẹp”.
Osaka thì chỉ gửi lời nhắn đơn giản đến đàn chị mà cô ngưỡng mộ từ bé: “Tôi yêu Serena. Tôi nóng lòng gặp chị ấy ở chung kết”.
Bất luận trận chung kết lúc 3h sáng 9/8, theo giờ Hà Nội, khép lại với kết cục ra sao, Osaka đã có một năm thành công. Cô không chỉ là tay vợt Nhật Bản hay nhất từ trước tới nay, mà còn có thể thay thế Serena ở vị trí số một thế giới trong tương lai.
Nhân Đạt