![]() |
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. |
- Trong những truyện ngắn của chị, luôn thấy để có được hạnh phúc, người ta phải cố gắng nâng niu nhưng sao cứ mong manh, đầy bất trắc. Hạnh phúc và tình yêu thường chỉ đẹp trong quá khứ và lung linh trong tương lai, vì sao vậy?
- Tôi thấy điều đó qua cuộc sống của những người xung quanh mình. Mỗi người một vẻ. Hạnh phúc là những gì nói ra hay nghĩ đến đều rất giản dị, nhưng để có được điều giản dị đó thì khó vô cùng. Con người luôn phải vừa thích nghi, vừa chống đỡ và khắc phục hoàn cảnh. Luôn là những cơn sóng cho con thuyền số phận phải vượt qua để khỏi bị đánh đắm.
Số phận con người luôn là điều bí ẩn đối với tôi. Tôi luôn bị những số phận rất khác nhau của con người ám ảnh và muốn lý giải. Những số phận luôn gắn liền với đời sống lịch sử xã hội và phần nào mang tính lịch sử của thời kỳ đó. Quá khứ đẹp vì mọi điều tồi tệ thường mất dần trong tâm trí con người theo thời gian. Có những chuyện trong hiện thực có thể làm người ta đánh đập, căm thù, chửi bới nhau nhưng thời gian đã xoá đi những điều tệ hại đó, chỉ còn lại những gì tốt đẹp. Có thế con người mới tồn tại, chứ mấy ai cả đời chỉ ôm những mối thù, sự tức giận?
Tương lai lung linh vì đấy là niềm ao ước, hy vọng cho một ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Nếu không có những mơ ước, những mong đợi vào phía trước, làm sao ta có thể vượt qua khó khăn của hiện tại? Hạnh phúc, tình yêu lung linh, mỏng manh như chiếc bình pha lê. Hoa cắm trong bình phải tươi, nước phải trong và tủ bầy bình phải chắc mới giữ được cho chiếc bình luôn lấp lánh.
- Có người nhận xét rằng "Nào, ta cùng lãng quên" rất khác so với tập 21 truyện ngắn trước của chị bởi âm hưởng buồn, bế tắc, những mâu thuẫn được đẩy đến tận cùng, sự hồi hộp đôi khi đến tức thở của những số phận nhân vật. Chị nghĩ sao?
- Tôi luôn thấy những niềm vui, sự hạnh phúc của con người không dài lâu. Đã hiếm lại còn ngắn và mong manh bởi những biến cố, bất trắc rình rập chờ đón ngoài cửa, chờ thời cơ đổ ập xuống đầu con người. Cuộc sống là vô giá và kỳ diệu vô cùng. Nhưng để có một cuộc sống với những hạnh phúc con con, giản dị thật khó nếu mỗi con người không “mỗi ngày ném những que diêm vào ngọn lửa hạnh phúc để nó luôn cháy mãi”. Một số truyện tôi viết gần đây có những sự cảm nhận khác trước, là do tôi nhìn cuộc sống phần nào khác xưa. Mỗi tuổi mỗi khác mà. Nhiều người chỉ cần sau một biến cố khá lớn là thay đổi cách nghĩ, cách sống. Đấy là sự giác ngộ. Có đẩy mọi chuyện đến tận cùng thì mới nhìn thấy cái đích mà con người ta đạt được khó khăn, căng thẳng đến thế nào, đôi khi trả giá bằng tính mạng.
- Khi viết, chị có thúc ép mình phải thay đổi hoặc tìm một cách viết mới không?
- Tôi không có ý định ép mình trong sáng tác. Sáng tạo nghệ thuật cần có sự thoải mái, tự nhiên, không gò ép thì mới hưng phấn. Tôi chỉ luôn đọc kỹ lưỡng về câu chữ, không rườm rà, lằng nhằng và đánh đố bạn đọc. Luôn tự nhủ là mình đã viết đến hàng trăm truyện ngắn, không thể mắc những lỗi tối thiểu như người mới tập viết. Đấy là sự dài dòng. Văn chương rất cần hình ảnh, chi tiết đắt để mình cùng người đọc hình dung về câu chuyện, sống cùng nhân vật. Tôi luôn đánh giá con người qua những chi tiết. Có những chi tiết rất nhỏ nhưng lại khái quát cả con người. Không ai giấu được mình mãi vì những chi tiết của họ. Giọng điệu trong một số truyện tưng tửng vì với câu chuyện đó, kể cách đó hợp hơn. Và khi viết, mọi thứ sắp sẵn, bố cục sẵn trong đầu mình rồi, nó dẫn mình đi, mình phải theo nó thôi chứ mình không cưỡng ép nó phải thế này thế nọ được.
- Vì sao chị thường xây dựng những cuộc tình lý tưởng đẹp đẽ nhưng kết thúc lại thê thảm thế?
- Thường thì ai trong đời cũng vương vấn một hai mối tình trong tâm tưởng. Có thể những mối tình đó khi đang hiện hữu không đẹp và mơ mộng như vậy, nhưng qua đi rồi, những điều không đẹp mất đi cùng thời gian. Những điều tốt đẹp còn lại, cộng với những ước vọng, đôi khi cả sự tưởng tượng thành ra tình yêu đó vừa đẹp vừa vĩnh cửu. Tôi nghĩ, cần lắm những góc đẹp đẽ mơ mộng trong mỗi con người. Nó như thuốc giảm đau chữa những cơn đau của cuộc sống hiện tại. Tôi hay đùa với một người bạn rằng, tôi cam đoan trong bất cứ ai cũng có một góc rất yếu đuối và "sến". Còn yếu đuối còn "sến", có nghĩa là còn yêu, còn rung động trước tình yêu và còn biết yêu cuộc sống. Quan trọng là gìn giữ tình yêu đó thế nào? Nếu người đọc thấy buồn sau những chuyện tình yêu của tôi, tôi nghĩ là mình đã cùng mọi người giữ cho hai chữ tình yêu luôn được hiện hữu. Và hình như tai họa thường hay giáng xuống đầu những người tốt? Và người tốt luôn lại thiệt thòi.
- Sự ly tán, chia tay của cặp vợ chồng và những đứa con trong "Tân cảng" của chị thật ám ảnh mặc dù giọng văn bình dị và mượt mà. Từ gợi ý nào để chị viết truyện này?
- Năm 1998, tôi có ngồi uống cà phê ở Tân cảng. Bến sông Sài Gòn tối thật đẹp và quyến rũ, ánh sáng đầy mặt sông. Tàu ra vào tiếng động cơ vang mặt nước. Trong khi cũng bên bến sông đó, bên kia, làng xóm im lìm, tối bưng sau những rặng cây. Tôi bị ám ảnh bởi những hình ảnh đó.
Sau này, khi chứng kiến những cuộc chia tay của những đôi vợ chồng, những cặp tình nhân bỏ cái cũ đi tìm cái mới, tôi luôn nghĩ đến Tân cảng. Và càng ngày, tôi càng cảm thấy rõ một điều, là người ta có thể chịu đựng nhau vì những chuyện rất lớn nhưng có khi lại bỏ nhau vì những điều rất nhỏ. Và nhất là sự cố chấp, hiếu thắng trong tình yêu. Nếu muốn giữ tình yêu, phải biết hy sinh và nhường nhịn, vị tha. Tôi nghĩ về Tân cảng lâu lắm. Ba năm sau mới viết. Lúc viết, chỉ chưa đầy 1 giờ. Mỗi lần đọc lại, tôi vẫn còn xúc động, và thương tất cả những nhân vật trong đó. Không phải truyện nào của mình tôi cũng có cảm giác đó. Đó thật sự là bi kịch của cuộc sống hiện đại bởi khi còn khó khăn khổ sở thì họ có thể vượt qua những khắc nghiệt để giành lấy tình yêu. Nhưng khi cuộc sống đủ đầy thì lại cố chấp để đánh mất hạnh phúc.
- Tên "Nào, ta cùng lãng quên" thật lạ. Chị nghĩ thế nào khi chọn làm tên của cả tập?
- Những nhân vật trong chuyện đều hay, giỏi giang cả, nhưng đều khổ và phải trả giá vì những tham vọng. Họ chỉ tiến mà không nghĩ đến việc sẽ có ngày đập đầu vào tường. Cô tiến sĩ cũng như người đồng tính luyến ái đều lơ ngơ đi tìm tình yêu - cái không thể thiếu được trong đời sống. Không có điểm tựa đó, cuộc sống chung chiêng, vô nghĩa lắm.
Có bao giờ bạn đứng trên bờ đê vào mùa lụt để nhìn thấy sự phân cách của thành phố không? Tôi có một thói quen, vào những ngày nước lên cao nhất, đứng ngắm nhìn cuộc sống ở xóm bãi và hiểu rằng vì cái gì mà họ có thể hòa hợp với cuộc sống như vậy trong khi mọi tai ương đều trút lên đầu họ, trong khi bờ đê bên kia... Tôi chọn "Nào, ta cùng lãng quên" làm tên tập sách vì ngoài tính xã hội của nó, tôi muốn mọi người hãy cùng khám phá cuộc sống với những niềm vui, và từng ngày sống có ích cho mình, cho những người thân yêu thay vì hằn học, hoang phí thời gian. Và thật hạnh phúc khi mình còn cần cho một ai đấy...
Thu Hương thực hiện