Thêm một cái Tết nóng nữa lại đến với đất phương Nam. Hòa vào dòng người tấp nập trên đường hoa Nguyễn Huệ, chợt thấy lòng mình thoảng cơn gió heo may nhè nhẹ, phảng phất mùi hương trầm, rộn ràng sắc hoa đào ngợp phố. Bỗng nhớ cồn cào mùa xuân đất Bắc, thèm hương vị Tết Hà Nội đến nao lòng.

Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng hồi đó Tết với gia đình tôi là quãng thời gian sum vầy ấm cúng nhất.
Có những cảm xúc mà ở nơi ấy, ngay tại khoảnh khắc ấy ta không thể cảm nhận được. Chỉ khi mất rồi mới thấm thía. Cũng như tôi ơ hờ khi còn trong lòng Hà Nội, để rồi mãi khắc khoải lúc đi xa. Như thể một mối tình đầu không trọn vẹn, Hà Nội đẹp trong vô vàn tiếc nuối của tôi. Từng góc phố, từng con đường đều gắn với một miền kiỷ niệm, chỉ cần chạm rất khẽ, rất khẽ thôi cũng đủ gọi thức bao ký ức ngọt ngào bất tận ùa về…
Tôi nhớ những ô bàn cờ chằng chịt nơi phố cổ. Nhớ Hồ Tây huyền ảo sương mai và tím mờ khi chiều buông xuống. Con đường Cổ Ngư với những đôi uyên ương tay trong tay dạo bước tâm tình. Nhớ Hồ Gươm ngày đông, mặt nước phẳng lặng như tờ. Góc này những cành cây khẳng khiu run lên trong gió rét, thỉnh thoảng buông lơi vài chiếc lá vàng còn sót lại. Góc kia chùm quả bàng chín vàng ửng treo hờ hững trên cành… Cây cơm nguội vàng đung đưa theo gió, vương vấn gọi mùa sang. Nhớ con hẻm sâu hun hút, khung cửa sổ vẳng tiếng nhạc Trịnh Công Sơn. Nhớ cả ánh đèn vàng hiu hắt đêm khuya, bị hàng cây già cản lối…

Nhớ Tết là nhớ về gương mặt phúc hậu của nội.
Người ta bảo Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, tôi lại yêu Hà Nội hơn mỗi khi Tết đến. Có lẽ bởi gia đình tôi từng sống ở Hà Nội nên cái cảm giác sum vầy lúc xuân về trên mảnh đất này còn đong đầy, nguyên vẹn trong trí tưởng.
Ba tôi làm công nhân xưởng dệt, mẹ gánh hàng khô bán ngoài chợ Mơ. Cuộc sống nhiều chật vật, nhưng không vì thế mà cái Tết nhà tôi kém vui, trái lại, luôn là những ngày đáng nhớ và ấm cúng nhất. Từ cái thủa lên 5 xắn quần ống thấp ống cao, nhảy chân sáo cùng nội khắp hang cùng ngõ hẻm, bi bô chơi chi chi chành chành với lũ trẻ con nghèo đầu xóm, tôi đã biết trông ngóng Tết.
Tết đến, ấy là khi mẹ tôi nghỉ chợ, tất tả đi may cho chị em tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới. Cả năm mới được diện áo đẹp một lần, bọn tôi đứa nào cũng hồ hởi ra mặt. Ba tôi bận rộn sáng chiều vôi ve lại tường nhà, quét mạng nhện, nội lo dọn dẹp bàn thờ tiên tổ… Tôi lăng xăng chạy qua chạy lại, lấy cho ba đồ này, mang cho nội thứ khác.
Sáng 30, cả nhà trải chiếu ngồi gói bánh. Nguyên liệu bày la liệt nào lá dong, lá chuối, lạt, nếp, đỗ xanh, thịt heo… Chị em tôi ríu ran tập gói bánh chưng Muội bé tí xíu, rồi thi nhau chuyển bánh cho ba xếp vào nồi, hồi hộp thức canh luộc bánh. Cả đêm không ngủ, quây quần bên đống lửa bập bùng, nội lại rôm rả kể những câu chuyện xưa của gia đình. Bánh bé chín nhanh, vớt lên thơm phức, chúng tôi háo hức ăn ngay và đắc ý vì tài gói bánh của mình không đến nỗi tệ. Bánh ngày ấy, luộc xong nén nặng rất kỹ bằng bộ ván gỗ, vuông hình sắc cạnh. Bánh có màu xanh cốm mới, nếp bên trong trắng nõn nà, đỗ vàng óng và thịt heo trong vắt, thơm dậy mùi.

Giữa Sài thành nhộn nhịp, lòng không nguôi nhớ về Tết miền Bắc.
Giao thừa năm nào tôi cũng được ba dắt đi dạo quanh hồ Gươm, rồi hái lộc ở đền Ngọc Sơn. Với tôi thủa ấy, Hà Nội đẹp lung linh đến lạ. Người người qua lại đông như mắc cửi, nườm nượp nối nhau thành những vòng tròn bất tận di chuyển quanh hồ. Tiếng còi xe, tiếng cười nói, tiếng trò chuyện xì xầm xen lẫn tiếng tàu điện leng keng. Gương mặt ai cũng hồ hởi hơn ngày thường. Họ tạm gạt đi những lo toan bộn bề thường nhật, để cùng hồi hộp, háo hức chào năm mới. Khi chuông đồng hồ bưu điện điểm đúng 12 giờ, ba ôm tôi vào lòng thật chặt, khẽ thì thầm: “Chúc mừng năm mới, con gái!”. Tôi cười híp mí, trên tay là cành lộc nhỏ xíu. Cả hồ Gươm rực sáng, cầu Thê Húc cong cong như con tôm, tháp Rùa cổ kính xa xa, huyền ảo và trầm mặc…
Người Hà Nội quen với tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất. Rét dài bao nhiêu, Tết kéo ra bấy nhiêu. Trong cái rét độ vừa đủ để người ta muốn xích lại gần nhau, còn gì tuyệt hơn ngậm hạt mứt gừng, nhâm nhi ly trà nóng. Mùng một đầu năm, rửa mặt bằng nước lá mùi già, cài cúc áo ấm lên tận cổ, hít hà hương trầm thoảng bay… Hương vị Tết đậm đà tỏa lan từ trong da thịt, trong từng hơi thở, từng giác quan.
Ở Sài Gòn, Tết thường nóng, đi chơi xuân mồ hôi nhễ nhại. Nhìn đâu cũng thấy nắng mà lòng buồn se sắt, chỉ biết ngậm ngùi lục tìm cái lạnh trong hoài niệm. Dạo bước giữa phố thị đầu năm, miên man chìm vào dòng suy tưởng bất tật. Nỗi nhớ Hà Nội cứ thế ùa về, chất đầy, thấm thía, đậm sâu… như lời một bài hát buồn vừa cất lên da diết: “Mà chẳng thể ra ngoài nỗi nhớ, chẳng thể ra ngoài nỗi nhớ đâu em”.
Phạm Thị Huệ
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |