Bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thông thường trường hợp này sẽ phải hóa trị nhưng sẽ không đảm bảo hết triệt để khối hạch. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu để lấy trọn tế bào ung thư. Ca phẫu thuật tiến hành từ 2 năm trước, đến đầu tháng 8 bệnh nhân tái khám, kết quả u không tái phát và sức khỏe tốt.
Theo bác sĩ Thịnh, 70% bệnh nhân ung thư trực tràng có di căn tế bào ung thư ra vùng hạch chậu. Để điều trị, ngoài phẫu thuật cắt trực tràng như trước, phẫu thuật nạo hạch chậu được xem là một bước tiến mới. Phương pháp này giúp bệnh nhân thêm cơ hội điều trị triệt căn, giảm nguy cơ tái phát và biến chứng.
Theo bác sĩ Thịnh, nhóm có nguy cơ bị ung thư trực tràng là người lớn tuổi, người hay đi ngoài ra máu, gia đình có người thân ung thư trực tràng hay u nhú lành tính của đại trực tràng.
Tầm soát và phát hiện bệnh sớm sẽ tăng khả năng điều trị triệt để. Ngược lại, phát hiện bệnh muộn làm giảm khả năng điều trị triệt căn, người bệnh dễ gặp biến chứng liên quan đến khối u gây chảy máu, tắc ruột, vỡ khối u, thậm chí tử vong.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ ba trong các bệnh ác tính. Độ tuổi mắc bệnh thường trung niên và người già, tần suất cao nhất trong khoảng 50-70 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư đại trực tràng gặp ở người trẻ với tỷ lệ 2-10%. Ung thư đại trực tràng ở người trẻ thường có độ ác tính cao và tiên lượng xấu hơn so với người lớn tuổi.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.