![]() |
Ước lượng khoảng cách tới các đám mây bằng góc nhìn. |
Tiến sĩ Teng Leng Ooi và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu thị lực Tennessee (Mỹ) đã chế tạo ra một lăng kính có thể thay đổi góc nhìn của người quan sát (trong hình: góc alpha). Khi người tham gia thử nghiệm nhìn qua lăng kính này, góc alpha được phóng đại lên. Kết quả là họ thấy vật thể ở gần hơn. (Trong thử nghiệm, do ước lượng sai khoảng cách, nên khi ném những viên bi sắt tới một vạch nhất định, những người tham gia đều sử dụng ít sức lực hơn).
![]() |
Não bộ tính ra khoảng cách giữa vật thể và mắt nhờ góc nhìn alpha. Nếu alpha càng lớn, vật thể càng gần và ngược lại. |
Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 phút sau đó, não bộ đã quen ngay với hiện tượng khuyếch đại góc nhìn, và tất cả những người này lại ước lượng được đúng khoảng cách. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng "co giãn không gian thị giác" mà nhờ đó, con người có thể thích nghi với mọi thay đổi của môi trường. Nhận thức này sẽ được ứng dụng để chế tạo các cặp mắt robot như một hệ thống định vị đặc biệt, có thể nhận biết vật thể và xác định khoảng cách linh hoạt như mắt người.
Ý tưởng về việc não bộ ước lượng khoảng cách thông qua góc nhìn đã được các triết gia Ảrập và Trung Quốc đưa ra từ thế kỷ 11. Trong Thế chiến thứ hai, các nhà tâm lý Đức cũng đề cập tới vấn đề này, nhằm chế tạo ra một loại gương khiến đối phương tính sai khoảng cách, nhưng ý tưởng đó đã không thực hiện được.
Minh Hy (theo dpa)