TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia - cho rằng, diễn biến lạm phát hiện nay là cơ hội để tiến hành mạnh các biện pháp tái cơ cấu kinh tế.
- Để kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được như 2 năm qua, dường như nền kinh tế đã phải hy sinh quá nhiều về tăng trưởng. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Kiềm chế lạm phát là kết quả nổi bật Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhưng kinh tế Việt Nam nếu không tăng trưởng được 7-8% mỗi năm trong vài thập niên tới thì đừng nghĩ rằng có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, và cũng không có tiền để giải quyết các vấn đề tiến bộ xã hội. Cái bánh GDP cứ teo tóp thế này thì lấy gì để mà chia?
Vấn đề cần phải nhìn nhận lúc này là xem lạm phát như một thành công, một cơ hội, nhưng không vì thế mà nghĩ rằng để có được lạm phát như vậy thì buộc phải hy sinh tăng trưởng mà phải luôn nhận thức rằng trước đây, do bất ổn kinh tế vĩ mô, không tiến hành được các biện pháp mạnh để tái cơ cấu kinh tế, thì nay là thời điểm thuận lợi và điều kiện để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu trung và dài hạn.
Nếu bỏ lỡ cơ hội, loay hoay những biện pháp nhất thời thì không mấy chốc lạm phát quay lại và lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
- Theo ông, các biện pháp mạnh mẽ cho trung và dài hạn nên là thế nào?
- Chính phủ cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp tính tới các vấn đề dài hơi hơn cho nền kinh tế nhưng chưa đủ mạnh. Cần xây dựng riêng một chương trình mục tiêu trung hạn cho hai năm rưỡi còn lại của kế hoạch 5 năm, chứ không chỉ là các giải pháp nằm rải rác trong các kế hoạch hàng năm.
Phải coi chương trình này là chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và chính sách chủ đạo phải là chuyển từ chuyện chống lạm phát bị động sang chủ động, hay còn gọi là điều hành theo chính sách lạm phát mục tiêu với mức tăng CPI khoảng 6,5 - 7% trong 3 năm 2013-2015 và sẽ kéo giảm xuống dưới 5% cho giai đoạn tiếp theo.
Với chính sách chủ động như vậy sẽ tạo dư địa để phối hợp chính sách tiền tệ; chính sách chi tiêu công và đặc biệt lộ trình điều chỉnh giá các loại dịch vụ do nhà nước kiểm soát để vừa chống tái lạm phát, vừa có dư địa để kích thích thị trường.
Một chương trình như vậy sẽ thực hiện ngay chứ không phải thực hiện các chính sách theo kiểu “ăn đong” nữa.
Trên tinh thần lạm phát mục tiêu như vậy, cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để làm sao trong ba năm từ 2013 - 2015, tổng đầu tư xã hội đạt 30 - 32% GDP. Không đạt mức đầu tư như vậy thì giai đoạn sau không thể phát triển được.
- Là một trong những người đề xuất nới trần bội chi năm nay, theo ông điều này sẽ tác động như thế nào tới ngân sách?
- Tôi biết đây là quyết định rất khó khăn của Quốc hội cũng như Chính phủ. Nợ công đã báo động, bội chi đã lớn, nhưng áp dụng biện pháp này là một biện pháp đặc biệt trong năm 2013-2014.
Có thể nâng trần bội chi ngân sách vượt mức 4,8% GDP là cần thiết để tăng một số hình thức giúp có thể xử lý trả nợ các công trình đầu tư dang dở. Coi đầu tư công, chi tiêu công như một cú hích để kích tổng cầu. Cần cú hích này trong giai đoạn trước mắt, sau đó khi nền kinh tế hấp thụ tốt thì lại phấn đấu để giảm bội chi.
Nếu quyết định nới bội chi, các địa phương có thể trả nợ những dự án xây dựng cơ bản đang còn nợ doanh nghiệp, con số này chưa chính thức nhưng theo tôi được biết là 90.000 tỷ đồng hoặc hơn, nếu xử lý được, thì dòng vốn cho doanh nghiệp sẽ được gỡ, tạo sức lan tỏa.
Ngoài ra, một số công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành 50 - 70% nhưng đang phải dừng lại vì thiếu vốn, thì phải tiếp tục đầu tư cho các công trình đó kèm theo sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong việc sử dụng đồng tiền.
- Vốn luôn nhiều quan tâm đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo ông, để công việc này được thúc đẩy một cách thực chất, cần những biện pháp gì?
- Tôi cho rằng, khó khăn trong quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước không phải là vấn đề kỹ thuật quản trị, mà chính là vấn đề nhận thức về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình đổi mới nền kinh tế từ những năm 1990 đến nay, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp nhà nước tuy có thay đổi nhưng tư duy xem doanh nghiệp nhà nước như một lực lượng vật chất của Nhà nước để điều tiết thị trường vẫn là vấn đề khó vượt qua nhất.
Do đó, theo tôi, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chỉ được tiến hành một cách thực chất khi mà lý do tồn tại của khối này được xác định là để làm tốt vai trò tham gia bổ khuyết trên một số ngành và ở thời điểm nhất định để dẫn dắt thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hoá và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa và phát triển bền vững.
Theo TBKTVN