Đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng trong nước tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài nêu lên với Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) khai mạc ngày 3/6. Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam áp giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại mỗi ngân hàng là 30% vốn điều lệ, trong khi tỷ lệ chung cho các doanh nghiệp không thuộc diện hạn chế đầu tư nước ngoài là 49%. Room cho từng đối tác chiến lược tại mỗi ngân hàng cũng chỉ là 20%, thấp hơn tỷ lệ dành cho doanh nghiệp nói chung.
Tuy nhiên, ngay từ khi Việt Nam mở cửa hệ thống ngân hàng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo nhiều hình thức như thành lập chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh và tham gia góp vốn cổ phần, đã có nhiều đề xuất cần nới room lớn hơn. Trao đổi với VnExpress.net trước thềm diễn đàn, ông Alain Cany - Đồng chủ tịch VBF cho rằng quy định cổ đông chiến lược nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20% vốn tại tổ chức tín dụng trong nước khiến hoạt động đầu tư này "chưa mang lại nhiều hiệu quả".
"Tỷ lệ khống chế như vậy sẽ rất khó để các cổ đông nước ngoài đưa ra quyết định có ảnh hưởng hoặc tạo ra sự thay đổi lớn nếu những cổ đông sáng lập, cổ đông địa phương không tán thành. Hệ lụy là ngân hàng nước ngoài sẽ không sẵn sàng đầu tư thêm vốn vào ngân hàng Việt Nam", vị này lý giải.
Đồng quan điểm này với ông Alain Cany, đại diện Nhóm Công tác Ngân hàng của VBF cũng khẳng định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại ngân hàng nội gây khó khăn cho quá trình tái cấp vốn. Do vậy, ông đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình rõ ràng về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu lên 51% hoặc cao hơn để thúc đẩy ngành ngân hàng hồi phục.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng quy định tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan như Nghị định 69 (tối đa 30%) phù hợp với cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo ông Hưng, với chủ trương khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69 theo hướng nới hạn mức ở những ngân hàng yếu kém.
“Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt giới hạn quy định", Phó thống đốc nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin tới nhà đầu tư nước ngoài việc Chính phủ đã phê chuẩn thành lập công ty Quản lý tài sản Quốc gia (VAMC). "Đây là một trong những nỗ lực đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tích cực hoàn thiện thủ tục để đưa công ty này vào hoạt động", ông cho biết.
Tuy nhiên, việc hoãn thời gian thi hành Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro lại bị các tổ chức nhận xét là "bước lùi" trong tiến trình đưa các ngân hàng Việt Nam minh bạch hơn về con số nợ xấu, tiến gần đến chuẩn quốc tế về trích lập dự phòng rủi ro.
Lý giải cho điều này, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay việc lùi thời gian thực thi là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, thúc đẩy tín dụng và hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và giúp các ngân hàng chuẩn bị tốt hơn trong việc đáp ứng các điều kiện thực hiện Thông tư 02.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc phân loại và trích lập dự phòng rủi ro, có lộ trình để thực hiện Thông tư 02 và xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc khẳng định.
Huyền Thư