Một đợt nắng nóng dữ dội đang đe dọa tàn phá các cánh đồng trồng ngũ cốc của Mỹ. Trong số này có ngô, đậu tương và lúa mỳ đang vào độ thu hoạch chính vụ, bắt đầu từ tháng 8. Diễn biến này xóa tan hy vọng về một mùa vụ đạt sản lượng “bom tấn” đồng thời dự báo sẽ khiến giá cả tăng vọt.
Các bang nông nghiệp trọng điểm của Mỹ như Illinois và Indiana nhiều ngày qua đã phải chịu đựng nhiệt độ lên mức trên 38ºC (100 º F) và tình trạng này được dự báo sẽ vẫn còn kéo dài trong 2-3 tuần tới. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, hơn một nửa số ngô sắp thu hoạch của người Mỹ đang trong tình trạng tốt, trong khi đó có khoảng 22% đang trong tình trạng xấu do ảnh hưởng của thời tiết.
Sự lo ngại và thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư trên thị trường kỳ hạn bắt đầu xuất hiện sau một thời gian bị ru ngủ bởi dự báo lạc quan về sản lượng trong vòng 2 năm tới. Giá đậu tương trên sàn CBOT tại Chicago hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ đợt khủng hoảng giá lương thực 2007-2008, trong khi đó giá ngô giao tháng 7 cũng tăng tới 30% kể từ giữa tháng 6/2012. Những lo ngại về sản lượng ngũ cốc Mỹ bắt đầu được dấy lên từ khoảng hơn một tháng trở lại đây, sau khi hạn hán từ vành đai khu vực Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay lan nhanh lên phía bắc.
Mỹ là nước xuất khẩu ngô, đậu tương và lúa mì nằm trong top 3 thế giới. Do đó, chỉ một mức giảm sản lượng nhỏ tại đây cũng có thể tạo sóng trên thị trường hàng hóa kỳ hạn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh lượng tồn kho ngô và đậu tương đang ở mức tương đối thấp.
Nếu thời tiết nóng tiếp tục duy trì trong nhiều ngày tới, giới chuyên môn nhận định mối quan tâm của thị trường sẽ dịch chuyển từ ngô sang đậu tương – loại ngũ cốc theo kế hoạch sẽ được thu hoạch muộn hơn ngô khoảng 1-2 tháng.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật sản lượng ngũ cốc thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tháng 6 vừa qua, số liệu dự báo cho thấy sản lượng ngô toàn thế giới niên vụ 2012/2013 sẽ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 950 triệu tấn. Trong số này, tăng mạnh nhất là Mỹ (19,67%), tiếp đến là Trung Quốc, Argentina và Mexico. Bên ngành đậu tương, USDA dự báo sản lượng toàn thế giới mùa này sẽ giảm 0,15% so với dự báo hồi tháng 5, xuống còn 271 triệu tấn nhưng vẫn cao hơn 14,6% so với niên vụ trước.
(Theo DVT)