Theo CNN, 9 trường hợp tử vong được báo cáo đến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) là do một dạng ung thư cực hiếm liên quan đến thủ thuật nâng ngực, có tên anaplastic large cell lymphoma (ALCL). Nó tấn công tế bào hệ miễn dịch và xuất hiện ở da hoặc hạch bạch huyết xung quanh phần mô cấy ngực (implant) dù không phải một dạng ung thư vú.
"Mọi thông tin hiện nay cho thấy nguy cơ ALCL của phụ nữ nâng ngực dù rất nhỏ nhưng đang tăng lên", FDA tuyên bố. Năm 2011, cơ quan này đã đặt câu hỏi về nguy cơ ung thư sau khi dao kéo vòng một. 6 năm trôi qua, các nhà khoa học phát hiện hầu hết ca ung thư xảy ra ở người cấy implant bề mặt nhám. Trong số 231 báo cáo gửi đến FDA, có đến 203 trường hợp sử dụng implant loại này.
Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ và Quỹ Phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ ước tính khoảng 10-11 triệu phụ nữ trên thế giới tu sửa vòng một. Một nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ chị em mắc ALCL do nâng ngực là một trên 300.000, mỗi năm không quá 10 ca. Hầu hết ca ALCL tiến triển chậm và có thể điều trị được nếu phát hiện sớm.
Để đảm bảo sức khỏe, FDA khuyến cáo phái đẹp trước khi nâng ngực cần tìm hiểu kỹ càng cũng như thảo luận với bác sĩ về lợi hại của implant bề mặt trơn và bề mặt nhám. Người đã cấy ghép ngực nên tự theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Minh Nguyên