Đã lâu tôi và bạn bè không đi du lịch, số lần "vung tay" mua sắm cũng giảm đi đáng kể. Chúng tôi đắn đo hơn khi quyết định mua những món đồ mà trước giờ "không phải nghĩ". Cân nhắc trước khi mua sắm trở thành bình thường mới của những công dân bình thường như chúng tôi.
Kỳ vọng thu nhập giảm trong tương lai có thể khiến người dân chi tiêu ít hơn ở hiện tại - là một trong những lý thuyết cơ bản về thị trường.
Tổng Cục Thống kê vừa công bố Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2022: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ. Từ 2019 trở về trước, khi nền kinh tế Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, tổng mức bán lẻ quý một hàng năm tăng xung quanh 10%. Mức tăng 4,4% quý I/2022 dựa trên một nền tảng thấp, khi mức tăng quý I của hai năm 2021 và 2020 cũng chỉ quanh mức 5% - do đó, càng trở nên đáng lo ngại.
Ngành bán lẻ Việt Nam từng tăng trưởng ổn định ở mức hai chữ số suốt nhiều thập kỷ. Bán lẻ là ngành thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp..., kéo theo lao động và đầu tư, giúp nền kinh tế vận hành liền mạch, giảm thiểu đổ vỡ, đứt gãy do khủng hoảng gây ra. Nhưng bán lẻ cũng là ngành nhạy cảm cao với những biến động kinh tế, bởi nó liên quan trực tiếp đến thu nhập khả dụng (phần thu nhập sử dụng vào chi tiêu hàng ngày) của người dân.
Doanh số bán lẻ sụt giảm, hoặc tăng nhẹ, không chỉ bởi phong tỏa, đóng cửa các cửa hàng, mà còn từ những e ngại, tằn tiện hơn trong chi tiêu của người dân. Nói cách khác, nguyên nhân đến từ cả phía cung và cầu.
Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, bên cạnh kế hoạch nới giờ làm thêm của người lao động từ mức 40 giờ lên 60 giờ mỗi tháng, Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội vừa đề xuất kế hoạch nâng lương tối thiểu từ tháng 7/2022. Đây là chính sách tác động tới phía cung.
Về phía cầu, mức lương tối thiểu hiện tại đã bị trì hoãn điều chỉnh suốt hai năm, khiến nó trở nên lạc hậu khi giá cả không ngừng tăng. Tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, riêng năm 2021, khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu tiếp tục tăng hơn 10%. Lần điều chỉnh gần nhất đầu năm 2020, mức lương vùng I (cao nhất trong 4 vùng) là 4,42 triệu đồng, chưa đáp ứng mức sống thấp nhất và chỉ bằng 59% lương đủ sống, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động.
Hầu hết lao động muốn duy trì mức sống tối thiểu, đều phải làm tăng ca hoặc kiêm nhiệm các công việc ngoài giờ khác.
Nâng lương tối thiểu sẽ tác động trực tiếp lên chi phí của mỗi doanh nghiệp, do lương tối thiểu được nhiều doanh nghiệp lấy làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm, lệ phí cho người lao động. Không một doanh nghiệp nào muốn điều đó. Mức giá của lao động được đẩy lên cao cùng với năng suất lao động (trong ngắn hạn) hầu như không đổi khiến doanh nghiệp chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, mức lương cao hơn cho phép doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn với người lao động, do đó có quyền lựa chọn được người có tay nghề, kỹ năng lao động tốt hơn.
Nâng lương tối thiểu cũng giúp người lao động có thể sống đủ với thời gian lao động vừa phải, để tái tạo sức lao động, chăm sóc bản thân, gia đình và con cái. Việc tái tạo sức lao động, chăm sóc bản thân hay gia đình, thực ra đều trực tiếp tác động lên sức mua của nền kinh tế.
Mỗi người dân bớt đắn đo khi mua một chiếc áo đẹp, hay vào nhà hàng để thưởng thức những bữa ăn ngon, đăng ký một tour du lịch... đều đóng góp tích cực vào nền kinh tế, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân may mặc, đầu bếp, hay hướng dẫn viên du lịch... Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đủ cao, ngay lập tức sẽ tác động ngược lại đến sản xuất kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường mà không cần một bàn tay can thiệp nào của Nhà nước. Khi việc xuất khẩu trở nên khó khăn do tình hình địa chính trị phức tạp, sức tiêu thụ nội địa của mỗi đất nước sẽ là chiếc phao cứu sinh của chính các doanh nghiệp.
Phân tích của Viện Chính sách Kinh tế Mỹ cho rằng cứ mỗi USD được thêm vào ví của một lao động có thu nhập thấp, thì nền kinh tế tổng thể sẽ có thêm 1,25 USD nhờ hiệu ứng lan tỏa. Năm 2014, 13 bang của nước này tăng lương tối thiểu đã có tốc độ tăng việc làm cao hơn các bang không tăng lương tối thiểu, theo Bộ Lao động Mỹ.
Trong hơn 30 năm qua, giới nghiên cứu kinh tế đã đồng thuận trong quan điểm tăng lương tối thiểu sẽ không khiến doanh nghiệp thuê ít lao động đi. Đương nhiên, tăng ở mức độ nào sẽ được các bên cân nhắc kỹ lưỡng.
Kích cầu là một trong những biện pháp cần phải tính đến và triển khai mạnh mẽ hơn trong giai đoạn kinh tế cần phục hồi. Bên cạnh các gói kích thích kinh tế, các khoản trợ cấp một lần với những người khó khăn, thì thay đổi một chính sách tổng thể, như tăng lương tối thiểu, sẽ có tác động lâu dài và hiệu quả hơn rất nhiều.
Minh Thư