Làm việc với Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chiều 19/7, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam ở Bình Dương, cho biết khi tình hình dịch bệnh chưa trở nên phức tạp, công ty đã đánh giá đây là "lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cần phải bảo vệ tối đa chuỗi sản xuất". Công ty bắt đầu dự trữ hàng, một mặt củng cố hệ thống sản xuất, mặt khác đồng thời triển khai các biện pháp chống dịch để chặn F0 xâm nhập nhà máy, giữ vững hoạt động.
Messer là một trong những nhà sản xuất oxy y tế lớn ở phía nam. Hiện mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 500 bình oxy, cung cấp cho các cơ sở y tế ở Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ... Ngoài ra, kho công ty đang dự trữ khoảng 20 khối oxy lỏng, 100-200 chai oxy với 2 loại dung tích là 6 m3 và 11 m3.
Ngoài cung ứng oxy dạng đóng chai, công ty đã nhập khẩu hai bồn oxy lớn dung tích 20 m3 và 15 m3. Dự kiến, hai bồn oxy này sẽ lắp đặt tại Trung tâm hồi sức Covid-19 hoặc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
"Công ty tiếp tục nâng công suất lên gấp hai lần so với hiện nay, tức 1.000 bình oxy mỗi ngày, để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho điều trị tại các cơ sở y tế các tỉnh thành", ông Phương cam kết.
Cách đây 4 tuần, công ty đã triển khai phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ). Nhân viên công ty chia thành hai khối chính. Nhóm một là 14 lái xe phụ trách phân phối oxy đến các cơ sở y tế. Nhóm hai là 8 công nhân trực tiếp sản xuất, 4 kỹ thuật viên và một số nhân sự văn phòng hành chính.
Hai khối nhân sự ăn, ở riêng, tách biệt, được test Covid-19 ba ngày một lần. Người ra vào công ty được siết chặt và quán triệt biện pháp 5K phòng chống dịch. Đến nay, công ty chưa xuất hiện ca F0 nào, chuỗi sản xuất vẫn đảm bảo.
Ông Phương đề xuất Bộ Y tế và địa phương hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người lao động trong công ty.
Hôm 19/7, trong cuộc họp Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Long cho biết gần 1.000 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị 66.000 ca Covid cần hỗ trợ thở oxy. Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất, yêu cầu tăng tổng công suất hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày lên gấp đôi, dự trữ oxy và khả năng phân phối.
Trong đợt dịch này, khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% thở máy xâm nhập. Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khuyến cáo tất cả khu vực điều trị đều cần chuẩn bị oxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, để đề phòng đổi trạng thái sang nặng. Bệnh nhân có bệnh nền phải được theo dõi chặt vì dễ chuyển sang giai đoạn nặng. Bệnh nhân có biểu hiện nặng phải cho dùng thuốc và các máy móc hỗ trợ thở nồng độ oxy cao... ngay để không chuyển nặng.
Hôm qua, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tích trữ máy thở, oxy, vì lãng phí do không thể tự sử dụng. và có thể gây khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Bộ Y tế và TP HCM cam kết không thiếu máy thở, khí oxy cho bệnh nhân, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng 19/7 cũng yêu cầu tất cả bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao (HFNC).
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp oxy y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu oxy y tế trong cấp cứu, điều trị.