Gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất của dự án Sân bay Long Thành. Tháng 9/2022, gói này đã được đấu thầu lần đầu tiên, song không có nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phải hủy và đấu thầu lại lần hai.
Đến ngày 12/6, ACV chính thức đóng hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10. Ba nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án này gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur.
Liên danh Vietur với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas). Đơn vị này thành lập năm 1969, trực thuộc Tập đoàn IC Holding có trụ sở chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Ic Istas hoạt động ở nhiều lĩnh vực: xây dựng, đầu tư hạ tầng, năng lượng, du lịch, công nghiệp trên phạm vi toàn cầu và có tổng doanh thu hàng năm tới 5 tỷ USD.
Bên cạnh tham gia các dự án lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ic Istas còn đảm nhiệm vị trí nhà thầu thi công rất nhiều công trình lớn tại các châu lục khác như cây cầu Bosphorus số ba nối giữa hai châu lục Á – Âu. Đơn vị cũng xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, đường lăn và nhiều công trình phụ trợ nhà ga tại dự án sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo quy mô 20 triệu hành khách mỗi năm.
Ic Istas có kinh nghiệm đầu tư cảng hàng không Antalya theo hình thức BOT và PPP. Sau sự thành công của giai đoạn một dự án sân bay King Khaled tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp này cùng liên danh Công ty Al Rashed - Saudi Arabia đã trúng gói thầu thiết kế, xây dựng hai nhà ga tại sân bay này. Hiện, Ic Istas thực hiện dự án điện hạt nhân Akkuyu quy mô 4.800 MW tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều dự án lớn khác như Bệnh viện Ankara Health Campus, tòa nhà Thổ Nhĩ Kỳ New York tại New York, Mỹ.
Liên danh Vietur còn có sự tham gia của một số nhà thầu trong nước. Nổi bật là các nhà thầu nằm trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng. Ông Dương là người sáng lập Coteccons và được xem là một trong những người tiên phong đưa doanh nghiệp xây dựng tư nhân Việt Nam đủ năng lực thi công các công trình tầm cỡ thế giới. Sau khi rời khỏi Coteccons, ông Dương thành lập hệ sinh thái mới.
Vinaconex được đánh giá là doanh nghiệp đầu ngành có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay... Doanh nghiệp có hàng nghìn công trình thuộc các lĩnh vực dân dụng và công nghiệp; hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp.
Liên danh do Vinaconex đứng đầu vừa hoàn thành xong gói thầu xây dựng nhà ga hành khách T2 - Sân bay Phú Bài giá trị gần 2.300 tỷ đồng, dự án nâng cấp sân đỗ máy bay sân bay Cam Ranh. Trong top 10 nhà thầu năm 2023, Ricons đứng ở vị trí thứ ba, tiếp đó là Vinaconex và Newtecons.
Một đơn vị khác là CC1. Trước đây, đơn vị này trực thuộc Bộ Xây Dựng, gắn liền với nhiều công trình trọng điểm như thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, lọc hóa dầu Nghi Sơn, lọc dầu Long Sơn, nhiệt điện Nhơn Trạch 1,... Hiện CC1 nằm trong liên danh triển khai các gói thầu cao tốc Bắc – Nam, gói thầu phần ngầm nhà ga T3 - Sân bay Tân Sơn Nhất.
Liên danh này còn có sự tham gia của các nhà thầu tên tuổi trong lĩnh vực đặc thù như Atad - chuyên về thép chất lượng cao; Hawee - chuyên về cơ điện.
Atad thành lập năm 2004 và đã thực hiện hơn 3.500 công trình trên hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đơn vị hiện sở hữu hai nhà máy sản xuất ở Đồng Nai và Long An. Hai nhà máy này là một trong các dây chuyền sản xuất kết cấu thép hiện đại và lớn nhất thế giới. Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, sản xuất thép Hòa Phát – Dung Quất, nhà ga hành khách sân bay quốc tế Cam Ranh, nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng... là những dự án Atad đã triển khai.
Với năng lực và kinh nghiệm thi công, liên danh Vietur đang được đánh giá cao khả năng thực hiện gói thầu số 5.10 của dự án thành phần ba sân bay Long Thành nhằm đảm bảo các tiêu chí về tiến độ thi công, chất lượng kỹ thuật thi công và giá thành xây dựng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Nguyễn Nhạn