"Chi phí phát sinh là do thuốc thang, xoa bóp, bấm huyệt", chị Phương, 42 tuổi, ở quận Đống Đa cho biết.
Khi bố mất năm 2015, người mẹ hơn 70 tuổi của chị lựa chọn sống một mình. Nhưng bệnh Alzheimer của bà ngày một nặng, cuối năm ngoái bị thêm đột quỵ, sốt nhiều ngày.
Sau hơn hai tháng chạy chữa, gia đình chị Phương biết không thể dựa vào người giúp việc để chăm sóc mẹ như trước. Họ khảo sát bốn viện dưỡng lão rồi chọn một trung tâm phân khúc cao cấp gần nhà. Mẹ chị ở phòng 6 người nhưng phải ăn bằng ống sonde nên chi phí 18 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình đóng hơn 140 triệu đồng cho nửa năm đầu và tiền cọc hai tháng.
Vào đây một tuần mẹ chị đã tỉnh táo hơn, chịu nói chuyện. Tuy nhiên do lười ăn nên bà được kê truyền huyết tương, giá 1,5 triệu đồng một lọ, mỗi tháng truyền 5 lọ. Để cải thiện hoạt động cơ miệng, bà được châm cứu với lộ trình 14 buổi, mỗi buổi 300.000 đồng. Bên cạnh đó, bà còn được dùng thêm các thuốc sa sút trí tuệ, huyết áp và thuốc bổ khác.
Tháng 5 này, chị vừa nhận hóa đơn đóng thêm hơn 6 triệu đồng chưa kể đã chi từng đó cho thuốc thang, bỉm sữa.
Việt Nam hiện có ba mô hình viện dưỡng lão gồm: cơ sở do các tổ chức an sinh xã hội xây dựng, chủ yếu nuôi dưỡng những người cao tuổi bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn; viện dưỡng lão do nhà nước hoàn toàn bảo trợ nhằm phục vụ những người cao tuổi từng có đóng góp nhất định cho nước nhà, những người cao tuổi nằm trong chính sách ưu tiên của nhà nước và cuối cùng là viện dưỡng lão hoàn toàn do tư nhân thành lập.
Chưa có nghiên cứu cụ thể nào về áp lực chi phí với các gia đình muốn đưa người cao tuổi vào viện dưỡng lão tư nhân, song thực tế chỉ có những người có lương hưu hoặc gia đình có điều kiện mới vào đây.
Cả nước hiện có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với mức trung bình 5,4 triệu đồng một tháng. Số tiền này mới đáp ứng được hơn một nửa chi phí vào một viện dưỡng lão tầm trung, với điều kiện vẫn tự phục vụ được bản thân và ở phòng tập thể.
Khảo sát của VnExpress với 10 trung tâm dưỡng lão phân khúc tầm trung ở Hà Nội cho thấy chi phí nằm trong khoảng 8-20 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ thuộc vào loại phòng và chưa bao gồm các chi phí khác như tiền bỉm, sữa.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh với 17 năm quản lý điều hành một viện dưỡng lão ở Hà Nội thừa nhận chi phí là rào cản lớn nhất với người già muốn được chăm sóc trong các trung tâm chuyên nghiệp.
Điều này trùng với kết quả một khảo sát 400 độc giả của VnExpress. Với câu hỏi "Gia đình bạn có thể cho cha mẹ vào viện dưỡng lão ở mức độ nào?", 43% cho biết không đủ khả năng, 33% cho biết có thể chi 8-10 triệu đồng, 14% ở mức 10-15 triệu đồng và 10% trên 15 triệu đồng một tháng.
Theo bà Thanh, nguyên nhân của tình trạng này là phần đông người Việt chưa có sự chuẩn bị cho tuổi già. Trong nhiều gia đình, khi người cao tuổi ốm đau một vài tháng có thể ổn nhưng kéo dài rất dễ dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Ở trung tâm của bà Thanh, nơi hiện chăm sóc hơn 100 cụ, sau hai năm Covid-19 một số gia đình gặp khó khăn kinh tế đã phải xin giảm phí, thậm chí muốn thanh lý hợp đồng, đưa cha mẹ về.
Anh Tùng Anh, 37 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội đã đưa ra lựa chọn này khi Covid khiến việc kinh doanh thua lỗ. Lúc này chi phí hơn 13 triệu đồng mỗi tháng của mẹ ở viện dưỡng lão trở thành gánh nặng quá sức. "Tôi đắn đo nhiều tháng. Không muốn làm xáo trộn cuộc sống của mẹ nhưng vẫn quyết định đón bà về tự chăm sóc", anh chia sẻ. Mẹ anh vào viện dưỡng lão từ năm 2019 và rất thích ở đây vì có nhiều bạn bè trò chuyện. Khi con thông báo đón về, cụ bà đã khóc nói "Con đưa khỏi đây mẹ sẽ chết".
Phía viện dưỡng lão bà Thanh đã tìm hiểu lý do, từ đó quyết định đổi cho cụ sang phòng rẻ hơn và giảm một số chi phí khác để gia đình yên tâm gửi tiếp.
Tại trung tâm dưỡng lão của ông Nguyễn Tuấn Ngọc, người đầu tiên lập viện dưỡng lão ở Việt Nam, thậm chí có những gia đình trốn đóng phí. Trung tâm đã phải nuôi từ thiện một số cụ con cái bỏ mặc như vậy thời gian qua.
Để viện dưỡng lão trở thành nơi có thể trông cậy của các gia đình và bớt gánh nặng chi phí, theo ông Ngọc, lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi cần được xem như các lĩnh vực an sinh, phúc lợi xã hội từ đó có can thiệp của nhà nước để hoạt động hiệu quả và phù hợp khả năng của phần đông người có nhu cầu.
"Mong mỏi của chúng tôi nhiều năm nay là được tiếp cận quỹ đất đai để giảm bớt áp lực đầu tư", ông Ngọc cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Thanh cho rằng người Việt cần thay đổi quan niệm tài chính. "Không thể coi chi phí cho cha mẹ là khoản phát sinh mà phải nằm trong hoạch định chi tiêu, có kế hoạch rõ ràng. Tuổi già là một hành trình rất dài, cần sự đầu tư chăm sóc, sao cho thời gian khoẻ dài ra và thời gian yếu ngắn lại", bà Thanh nói.
Theo số liệu năm 2022 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là 73,6, cao hơn mức bình quân thế giới nhưng số năm khỏe mạnh lại ở mức thấp (64 tuổi).
Khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" của Prudential Việt Nam năm 2021 cho thấy 85% người được hỏi muốn có cuộc sống độc lập khi về già song chỉ 40% tự tin đã chuẩn bị tốt.
Để giải quyết vấn đề này, kinh nghiệm của một số nước là cần kêu gọi phát triển các dịch vụ chăm sóc người già và cải cách hệ thống lương hưu. Năm 2022 chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ chi 35 tỷ nhân dân tệ (120.000 tỷ đồng) để xây dựng các cơ sở hưu trí, như một phần trong kế hoạch cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi. Nhật Bản là nơi có viện dưỡng lão phát triển, chi phí có thể lên đến 3.000 USD mỗi tháng, song người dân chỉ phải trả 10-30%, còn lại có bảo hiểm chi trả. Để được như vậy, từ năm 40 tuổi người dân Nhật Bản đã tham gia bảo hiểm chăm sóc.
Trong chi phí cho mẹ đi viện dưỡng lão, ba chị em trong gia đình chị Phương thỏa thuận người chị cả có kinh tế nhất sẽ chịu 50%, hai em chia nhau 50%. Với những khoản phát sinh, hiện họ buộc phải dùng đến lương hưu hơn 7 triệu đồng mỗi tháng của mẹ.
"Hy vọng thời gian tới sức khỏe mẹ ổn, chứ lâu dài những chi phí bất ngờ này có thể làm chị em tôi áp lực", chị Phương thừa nhận.
Phan Dương