From: Nikita
Sent: Saturday, November 29, 2008 1:41 AM
Subject: Me chong coi thuong thong gia
Gửi chị Hà và các anh chị,
Nghe các anh chị bàn luận về chuyện mẹ chồng con dâu, mình nhớ đến bà nội của nhà văn Nguyên Hồng. Chắc các anh chị còn nhớ đoạn trích tác phẩm Những ngày thơ ấu trong sách giáo khoa văn ngày ấy. Lúc học, mình chỉ thấy là Nguyên Hồng yêu mẹ, nhớ mẹ chứ không hiểu gì nhiều lắm. Sau này lớn lên đọc toàn bộ tác phẩm ấy, vẫn thấy tình yêu thương mẹ tràn đầy của ông dù có pha chút tội nghiệp, thương cảm người phụ nữ hay gặp trắc trở, lỡ lầm.
Mình lại thắc mắc làm sao ông có thể có trái tim yêu thương và đại lượng khi tuổi còn rất trẻ như vậy. Rồi bây giờ nghe các anh chị tâm sự chuyện gia đình, đọc báo chí nói về những cách cư xử tàn nhẫn của con cái đối với cha mẹ, mình mới thấy kính phục bà nội của Nguyên Hồng vô cùng. Bà yêu Nguyên Hồng lắm vì Nguyên Hồng là thằng cháu đích tôn của bà và bà cũng biết rằng bà có thương Nguyên Hồng đến đâu cũng không thể thay thế được mẹ của Nguyên Hồng.
Trẻ con thì cần có mẹ, có tình yêu thương của mẹ thì mới nên người được. Bà biết thế nên bà vẫn giữ mẹ của Nguyên Hồng lại ngay cả khi mẹ Nguyên Hồng lầm lỡ và Nguyên Hồng có thêm cô em gái cùng mẹ khác cha. Thuê vú em, mua sữa bò cho em gái Nguyên Hồng uống để dành cái độc quyền được mẹ chăm sóc cho riêng Nguyên Hồng. Và khi người mẹ tội nghiệp đi làm ăn xa ấy mang tiếng là bỏ chồng bỏ con đi theo trai thì em gái Nguyên Hồng vẫn được cưu mang cùng với anh.
Bà già ấy hiểu rằng ngoài tình mẫu tử thiêng liêng ra thì cháu đích tôn của bà vẫn cần có tình ruột rà khi lớn lên. Bà cụ đã đúng, vì chính bà, chính tình yêu thương và cách bồi đắp tình yêu thương rất đặc biệt ấy đã kéo được Nguyên Hồng ra khỏi vũng bùn mà đa số những đứa trẻ sớm phải lang thang như Nguyên Hồng dễ sa vào. Như cái xã hội kinh khủng ông đã vẽ ra trong Bỉ vỏ khi mới 16 tuổi. Văn chương là một cứu cánh cho ông nhưng bà nội ông chính là người khai sinh ra tài năng ấy ở ông và là sợi dây nối kéo ông trở lại cuộc sống con người.
Bà mẹ chồng hồi đầu thế kỷ ấy chắc chắn là không thể học cao hiểu rộng, thông hiểu đông tây kim cổ như các bà mẹ chồng thời nay rồi. Nhưng mình cho rằng bà mẹ chồng ấy đã vượt xa các bà mẹ chồng thời nay về mặt trí tuệ. Đúng là bà nào chẳng thương cháu, chẳng mong cháu mình giỏi giang, ngoan ngoãn, phát triển thể chất tinh thần hoàn hảo. Muốn thế thì người mẹ phải khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Nếu bà mẹ chồng nào cũng hiểu ra được như vậy thì sẽ tránh được khá nhiều phức tạp trong quan hệ mẹ chồng con dâu.
Ông bà mình đã nói: Khôn đâu khôn trẻ... thì con dâu ngoan mấy, khéo mấy sao chẳng có lúc có lỗi lầm. Trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ là chỉ bảo cho con trẻ nhận ra sai lầm và biết hướng sửa chữa. Đúng là chẳng ai bắt cha mẹ chồng phải thương con dâu, hay thương yêu cha mẹ của con dâu nhưng lễ nghĩa thì phải biết ăn ở đúng mực, đó là biết tôn trọng người khác. Sự đúng mực ấy rất cần thiết cho sự hình thành nhân cách ở trẻ nhỏ khi mà ông bà ở gần con cháu và cũng là một cách đem lại hạnh phúc cho chính con trai mình.
Vâng làm sao mà cục cưng của bố mẹ chồng có thể hạnh phúc được khi suốt ngày thấy bố mẹ và vợ mình căng thẳng còn mình thì khó xử quá vì chẳng biết theo phe nào. Trong trường hợp cái tôi của bố mẹ chồng to quá lại chẳng hóa ra bố mẹ chồng muốn con trai cưng của mình đổ vỡ hạnh phúc à? Vẫn biết là không dễ dàng làm cho những người xa lạ trở nên yêu thương nhau, nhưng bố mẹ chồng có vai trò gần như quyết định trong chuyện này nếu biết cư xử đúng mực.
Các anh chị khác cũng đã khuyên nhủ chị Hà nhiều cách để giải quyết vấn đề, còn mình chỉ mong các bậc cha mẹ chồng có dịp đọc bài suy nghĩ của mình và góp ý giúp xem mình có ý kiến như thế với phụ huynh có chỗ nào chưa phải không. Mình cũng mong các anh chị sau này rồi cũng trở thành cha mẹ chồng, sẽ vượt qua được những bất hòa mẹ chồng con dâu như ngày nay.
Các anh chị có thể tâm sự với con cái khi chúng lớn lên về ông bà nội, ông bà ngoại của chúng như thế nào, nhưng nên tránh gieo ác cảm vào tâm hồn con trẻ. Những chuyện đã xảy ra, vất vả hay đau khổ các anh chị cũng đã nếm trải, và có nói lại cũng chỉ để cho con cháu rút kinh nghiệm thôi, để những chuyện không vui như vậy sẽ không xảy ra nữa. Còn đối với ông bà thì cháu chắt phải yêu thương và kính trọng rồi. Ông bà có sai, có lỗi lầm gì đi nữa thì vẫn là ông bà của chúng.
Mình nhớ gần đây có một bài báo về một phụ nữ bị chính chồng và hai con trai đã lớn (đang học đại học) bạo hành nghiêm trọng vì người chồng nghi ngờ vợ đã ngoại tình (trong quá khứ). Đứa con đánh mẹ vì cho rằng người mẹ đã làm xấu mặt nó. Mình thực sự rùng mình. Sự hận thù của người cha đã hủy diệt tâm hồn đứa con. Cả cuộc đời còn lại nó sẽ sống ra sao trong sự mất phương hướng ấy. Người phụ nữ ấy dù có lỗi thật trong quá khứ thì vẫn là người mang nặng đẻ đau, vẫn là người chăm sóc cho đứa con kia nên hình hài. Vả lại, trên đời này có ai hoàn toàn không có lỗi lầm đâu. (Mình cũng mong rằng đứa con đánh mẹ ấy sẽ có lúc đọc những suy nghĩ này của mình).
Điều cuối cùng mình muốn nói là các chị hãy mạnh mẽ lên, tự giải thoát tâm hồn mình ra khỏi sự bó buộc về tinh thần của mẹ chồng. Bỏ ngoài tai những câu nói khó chịu không cần thiết của mẹ chồng, vẫn cư xử tử tế và tôn trọng mẹ chồng, không tỏ ra hư hỗn nhưng đôi khi cần thiết vẫn phải có ý kiến riêng của mình… và tránh tâm sự quá nhiều với hàng xóm. Mình hiểu nhu cầu nói là rất lớn đối với chị em ta nhất là trong một ngôi nhà ít thân thiện, nhưng không phải hàng xóm nào cũng thực sự tốt bụng. Cứ nói nhưng mà cung cấp ít thông tin cho hàng xóm thôi!
Nikita