Chuỗi tập huấn diễn ra trong hai ngày 3-4/10, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của hai chuyên gia giáo dục là Tiến sĩ Sarika Kewalramani, giảng viên giáo dục cao cấp, chuyên gia ngành STEM và nghiên cứu thực hành ứng dụng công nghệ, ĐH Kỹ Thuật Swinburne Australia, và Huỳnh Anh Vũ, Giảng viên ngành Kinh doanh, ĐH Kỹ Thuật Swinburne Australia, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2008.
Mở đầu chương trình tập huấn, hai chuyên gia đã giới thiệu, phân tích, bóc tách những bộ khung tiên tiến nhất trên thế giới về ứng dụng STEM trong dạy và học.

Các giáo viên tham gia khóa tập huấn ngày 3-4/10, tại Hà Nội. Ảnh: Olympia Global Network
Các giáo viên tham gia tập huấn dành phần lớn thời gian tham gia vào những hoạt động, thí nghiệm trực quan như: chế tạo mô hình cánh tay robot dùng trong y tế từ những vật liệu tái chế, sử dụng công nghệ "thực tế tăng cường" để minh họa cấu trúc tế bào trong không gian 3 chiều...
Chương trình nhắm tới nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giáo viên, đồng thời hướng dẫn các thầy cô xây dựng một chuỗi bài giảng với STEM là trọng tâm. Sau hai ngày tập huấn, các giáo viên có thể bắt tay vào phát triển một giáo trình STEM tiêu chuẩn. Theo hai chuyên gia giáo dục, giáo trình này thúc đẩy học sinh tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ những bộ môn khác nhau, và vận dụng chúng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đây chính là khái niệm "dạy và học liên môn" - interdisciplinary hay transdisciplinary learning.
Trở về từ Australia và dẫn dắt buổi tập huấn, anh Huỳnh Anh Vũ chia sẻ đây là niềm tự hào khi được đóng góp vào một hoạt động nhiều ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
"Với vai trò giảng viên ĐH Kỹ thuật Swinburne Australia, đồng thời là thành viên Mạng lưới Olympia Toàn cầu, tôi rất vui khi được trao cơ hội này. Tham gia vào chương trình, tôi hy vọng sẽ lan tỏa được tinh thần của Mạng lưới Olympia Toàn cầu, đó là Give back - Đền đáp".
Anh Vũ chia sẻ thêm, Mạng lưới Olympia Toàn cầu nhận được nhiều sự ủng hộ, cổ vũ ở Việt Nam. Vì vậy, các thành viên của mạng lưới luôn mong được đền đáp bằng việc được đóng góp khả năng và hiểu biết cho sự phát triển giáo dục và xã hội tại Việt Nam.
Người sáng lập Mạng lưới Olympia Global Network, bà Tạ Bích Loan - Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam - nhận định ứng dụng công nghệ trong giảng dạy chính là "chìa khóa" của chuyển đổi số trong giáo dục.
Vì vậy, tiếp nối sự thành công của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Mạng lưới Olympia Global Network và ĐH Kỹ thuật Swinburne Australia hy vọng có thể đóng góp cho sự phát triển giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới, thông qua việc thực hiện chuỗi tập huấn "Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy" cho 35 giáo viên đến từ các trường THPT của Hà Nội và Hòa Bình.
Chuỗi tập huấn đã một lần nữa khẳng định sự cam kết cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển của giáo dục tại Việt Nam của ĐH Kỹ thuật Swinburne Australia.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Đỗ Đức Quế, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nhận định ngành giáo dục đang bước vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Vì vậy, chuỗi tập huấn "Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy" là cần thiết, quan trọng, giúp giáo viên được trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm, từ đó ứng dụng công nghệ vào quá trình dạy và học, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Sau hai ngày trực tiếp tham gia, 37 giáo viên tại Hà Nội và Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá những hiệu quả chương trình đem lại.
"Dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia giáo dục, cùng với sự chia sẻ từ các thầy cô đồng nghiệp, chúng tôi được mở rộng kiến thức về ứng dụng công nghệ, STEM vào giảng dạy. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều buổi tập huấn bổ ích hơn nữa", thầy Trần Xuân Thịnh, giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ.
Thế Đan