Thứ ba, 30/4/2024
Thứ năm, 13/10/2022, 06:00 (GMT+7)

Nặn tượng chibi kiếm 50 triệu đồng mỗi tháng

TP HCMAnh Hồng Đức, 34 tuổi, ở quận Tân Phú, mỗi tháng nhận khoảng 250 đơn hàng nặn tượng theo phong cách chibi, bán với giá từ 400.000 đến 4 triệu đồng.

Mười năm nay, anh Lê Nguyễn Hồng Đức, gắn bó với công việc tạo hình tượng chân dung đất sét, bằng phong cách chibi truyền thần theo yêu cầu của khách.

Năm 2012 khi vừa mới tốt nghiệp đại học, Đức làm kế toán nửa năm rồi bỏ vì không hợp và lương thấp. "Trước đó tôi đã có sở thích làm đồ handmade, một lần đi hội chợ thấy bán tượng đất sét nên mua về tập nặn. Tôi chọn phong cách tượng chibi vì lúc ấy đang là trào lưu", người đàn ông 34 tuổi nói.

Sau một tháng học hỏi trên Internet và tự mày mò cách nặn, Đức thử bán trực tuyến những sản phẩm đầu tiên là tượng chibi các diễn viên Hàn Quốc, 50.000 đồng một sản phẩm.

Tiếp thu góp ý của khách hàng, vài tháng sau anh mở xưởng với số vốn 3 triệu đồng, vừa đủ thuê căn phòng nhỏ. Lúc đầu, doanh thu chỉ vừa đủ tiền thuê phòng, mua nguyên vật liệu, trả lương nhân công.

Hiện Đức là chủ xưởng về tượng chibi với gần 10 nhân viên trên đường Trần Văn Ơn, quận Tân Phú.

Sau khi nhận hình ảnh từ khách hàng, công đoạn đầu tiên là phối màu đất sét. "Màu phải trộn với đất theo tỷ lệ nhất định để đảm bảo sát với hình gốc nhất. Mỗi ngày xưởng sử dụng hết 3 kg đất nguyên liệu", nhân viên Lê Thị Tư, 22 tuổi, cho biết.

Học ngành kế toán nhưng có đam mê đồ hanmade nên Tư chọn làm việc ở xưởng vì hợp với sở trường. Mỗi nhân viên ở đây đều đảm nhiệm một chuyên môn như tạo hình, vẽ, làm quần áo, chăm sóc khách hàng...

Chủ xưởng cùng mọi người tạo hình chân tay, đầu, thân, tóc... cho tượng. "Khó tạo hình nhất là những tượng có tư thế khó như tập yoga, đá bóng, nhảy múa...", Đức nói.

"Vẽ khuôn mặt là công đoạn quan trọng, nhất là đôi mắt để tạo ra thần thái của bức tượng. Tôi mất hơn nửa tháng tập vẽ sao cho khuôn mặt giống với ảnh khách gửi nhất", Phạm Trang Tú, 19 tuổi nói.

Theo Tú, khác với tượng chibi thường thấy với khuôn mặt và đôi mắt to đặc trưng, phong cách truyền thần cần nét mặt tả thực hơn để giống với nhân vật thật nhất nhưng vẫn mang nét dễ thương của thể loại này.

Làm quần áo là một trong những công đoạn cuối để tượng chibi truyền thần thành hình. Đất sét được cán mỏng qua máy để làm quần áo cho tượng.

Mỗi loai trang phục lại cần cách tạo hình đất sét khác nhau. Khó tạo hình hơn cả là những bộ đồ như váy cô dâu, đầm dạ hội, quần áo cổ trang...

Trung bình một tượng mất khoảng 4 tiếng để hoàn thành. Tượng chibi để trong điều kiện bình thường mất một ngày để khô cứng, sau đó sẽ được phun lớp sơn để chống thấm và không phai màu. Một ngày xưởng làm được hơn 10 sản phẩm.

Mỗi tháng xưởng của Đức chế tác được khoảng 250 sản phẩm, với giá dao động từ 400.000 đến 4 triệu đồng một tượng. Phần lớn khách đặt tượng chibi của chính mình hoặc gia đình, bạn bè, vợ chồng...

Tượng cặp vợ chồng trong trang phục cưới theo dạng chibi truyền thần với giá 8 triệu đồng. Bên dưới là tượng hai ông cháu có giá 4 triệu đồng, được lồng trong khung kính có gắn đèn.

Bức tượng chân dung được ghép giữa hai tấm ảnh theo yêu cầu của khách với giá 4 triệu đồng. Theo tác giả, mỗi sản phẩm chibi truyền thần chỉ có thể giống như ảnh thật từ 60 đến 80%.

"Hiện đây đang là sản phẩm chủ lực của xưởng, chiếm phần lớn giá trị đơn hàng. Tôi sẽ cố gắng nâng cao tay nghề hơn để tượng giống thật nhất có thể", Đức nói.

Tượng đất sét chibi truyền thống với đặc trưng mắt to, khuôn mặt dễ thương, vui tươi có giá rẻ hơn so với dạng truyền thần. Chủ xưởng tiết lộ, lợi nhuận mỗi tháng đạt khoảng 50 triệu đồng.

Nặn tượng chibi
 
 

Quỳnh Trần