Hôm 11/10, một học sinh 17 tuổi tên là Li đã tử vong sau khi nhảy xuống từ tầng 4 của trường cấp 3 Beihong, thành phố Thượng Hải. Một con dao được tìm thấy trong tay của học sinh này. Cậu cũng viết một lá thư và gửi những tin nhắn cho bố mẹ trước khi tự tử nhưng nội dung không được tiết lộ.
Chỉ trước đó một ngày, một học sinh 11 tuổi cũng tự tử bằng cách nhảy từ tầng cao ở một khu chung cư Thượng Hải, trong khi bố mẹ đang ngủ. Một học sinh 13 tuổi khác may mắn hơn khi nhảy xuống từ tầng 5 và chỉ bị chấn thương.
Thượng Hải không phải là thành phố duy nhất xảy ra nạn tự tử. Tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây phía đông Trung Quốc, ba nữ học sinh tiểu học chỉ mới 10 tuổi đã cùng chọn cách tự tử từ tầng hai một tòa nhà. Cả ba đều may mắn sống sót và đang điều trị ở bệnh viện. Ba cô bé nói rằng tự tử để không phải làm bài tập về nhà nữa. Bà của một trong ba học sinh cho biết cô bé có rất nhiều bài tập. Cả ba em đều không làm được bài tập về nhà hôm đó và rất sợ bị cô giáo phạt.
Các học sinh Trung Quốc đang phải chịu áp lực học hành nặng nề. Ảnh: china.org.cn |
Những câu chuyện gây sốc như thế này đã khiến nhiều cư dân mạng đổ lỗi cho sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, những người khác nói rằng hệ thống giáo dục Trung Quốc mới là nguyên nhân, khi nó tạo ra áp lực cho những tâm hồn còn quá non trẻ.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng một khi hệ thống giáo dục không thể thay đổi nhanh chóng, thì các học sinh cần được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tâm lý.
Bà Yang Jing, một nhà tâm lý học thuộc đại học Normal Bắc Kinh, cho biết nhiều bậc phụ huynh đã không phát hiện ra vấn đề và thiếu sự chia sẻ với con em mình.
"Thanh thiếu niên là độ tuổi dễ rối loạn. Khi không thể chia sẻ với bố mẹ, các em có xu hướng thực hiện những hành vi cực đoan", bà nói.
Ông Yan Zhengwei, trưởng khoa trị liệu của bệnh viện tâm lý Wales ở Thượng Hải, thì cho rằng sự thiếu giáo dục về sức khỏe và các vấn đề liên quan cũng là một nhân tố cần xét đến.
"Bị ràng buộc bởi tập tục truyền thống, người Trung Quốc thường ngại nói chuyện về sức khỏe, vì thế giáo dục về vấn đề này hiếm khi được đưa vào giảng dạy ở trường, trong khi nó hết sức quan trọng với sự phát triển của một con người", ông nói. "Việc giáo dục sức khỏe sẽ giúp các em có một cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa của cuộc sống".
Theo trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát bệnh Trung Quốc, nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Thực tế, tự tử là nguyên nhân lớn nhất gây ra những cái chết ở độ tuổi từ 15 đến 34 ở Trung Quốc.
Một số trường học ở Trung Quốc đang nỗ lực tư vấn tâm lý miễn phí cho học sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết dịch vụ này chưa đạt được hiệu quả.
"Nhiều trẻ em gặp vấn đề với bố mẹ và bạn học. Chúng sợ rằng nếu chia sẻ với nhân viên tư vấn của trường, chúng sẽ gặp rắc rối lớn hơn", bà Yang nói. "Bố mẹ cần cho con em mình biết rằng cái chết không phải là cách giải quyết vấn đề".
Anh Ngọc (theo China Daily)