Cuối tháng 3, trời nắng gắt, cuộc rượt đuổi giữa nhóm hơn 5 tàu của gia đình ông Út Nam và các ngư dân với nhóm trộm lưới cụ (dụng cụ bắt tôm cá) có hơn 10 tên đi trên hai vỏ máy (phương tiện trên biển ở miền Tây) gây náo loạn ở vùng biển huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Để tìm đường tẩu thoát, nhóm trộm tách ra hai hướng, một rẽ về Đá Bạc, chiếc còn lại tiếp tục lao đi theo hướng cửa biển Cái Đôi Vàm. Quyết tâm bắt được chúng, các ngư dân gọi điện cho nhiều thanh niên trong bờ chạy ra tiếp ứng.
Cuộc rượt đuổi nổi sóng trên biển kéo dài vài giờ, với chiều dài hàng chục hải lý. "Một chiếc gần tiếp cận được vỏ máy bọn trộm, nhưng khi gần va chạm nhau thì chết máy giữa chừng, chúng tôi đành phải đứng nhìn chúng chạy mất", ông Út Nam nói trong tiếc nuối.
Bằng giọng đầy tức giận, ông Út Nam kể, khi thả lú (dụng cụ đánh bắt) gần bờ xong, ông cho tàu chạy về hướng bìa rừng canh giữ. Đến giữa trưa, ông phát hiện lú bị nhóm trộm rút bỏ lên tàu của chúng.
"Tôi thông báo cho các ghe khai thác gần đó rồi nổ máy truy đuổi. Chúng chạy thục mạng hướng về vùng biển huyện Phú Tân, có lúc định quay đầu vỏ máy tấn công lại tôi nhưng không dám, vì bên tôi nhiều người hơn", ông Nam kể.
Màn rượt đuổi không giúp ông Nam lấy lại được 75 cái lú (gần 8 triệu đồng) mà ông còn phải bỏ hơn 10 triệu đồng sửa lại máy nổ. Ngoài ra, ông phải lo chi phí thuốc men cho một người tham gia truy bắt bị đuôi vỏ máy bọn trộm gây thương tích.
Ngư dân ở vùng biển Trần Văn Thời than rằng, để kiếm miếng cơm, ngoài việc phải đối mặt với sóng to, gió lớn trên biển, nay họ còn phải giành giật tài sản của mình với bọn trộm. Nếu như vài năm trước, trộm lén lút lấy cắp vào ban đêm, thì nay đã chuyển sang "ăn hàng" cả ban ngày. "Ngoài trang bị vỏ máy công suất lớn, chúng còn thủ hung khí, nên anh em truy bắt cũng không dám đối đầu trực tiếp", ông Nam cho biết.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Giàu (cửa biển Vàm Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc) cũng phát hiện bị mất đến 1.000 con ốc mực, trị giá khoảng 120 triệu đồng. Do mất số lượng lớn, không đủ để làm tiếp nên ông phải cho ghe vào bờ. Sau đó, ông vay mượn tiền mua ngư cụ để trở lại biển.
Hay gia đình ông Đào Văn Bắc, chỉ trước và sau Tết cũng bị trộm lấy gần 100 lú bát quái, thiệt hại hàng chục triệu đồng. "Có một vài người liên tục bị trộm phải trắng tay, nợ nần, đành dẫn theo con cái lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... làm thuê kiếm sống", ông Bắc nói.
Không chỉ có ở Trần Văn Thời, những người sống bằng nghề đánh bắt ven bờ ở cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh cũng đang khổ sở để canh giữ tài sản của mình. "Khi đánh lú xong là cha con tôi chia nhau trên ba vỏ máy, thay nhau chạy tuần tra, vậy mà vẫn bị mất", anh Nguyễn Văn Khởi cho hay.
Trưởng Công an xã Khánh Bình Tây Bắc Nguyễn Thanh Tú cho biết, những tháng đầu năm có 6 ngư dân trình báo mất trộm ngư lưới cụ. "Công an xã chưa được trang bị phương tiện để đấu tranh với loại tội phạm này nên rất khó khăn để bắt chúng", ông Tú nói và cho biết đã báo cáo về huyện để lập chuyên án truy bắt.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tình hình trộm cắp ngư lưới cụ xảy ra trên địa bàn ngày càng nhiều, gây thiệt hại về kinh tế, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác trên biển của ngư dân.
Qua điều tra xác minh, trên địa bàn huyện có 5 nhóm, 21 người nghi vấn trộm cắp ngư lưới cụ. Hoạt động chủ yếu của nhóm là dùng phương tiện giả vờ đánh bắt trên biển để quan sát, nắm tình hình khu vực có thả ngư lưới cụ trên biển và tiến hành xác định tọa độ. Đến tối, chúng dùng máy định vị đến khu vực đã xác định để trộm cắp.
Hoặc bằng thủ đoạn dùng tàu có công suất lớn chạy ra biển vào ban đêm với mục đích quan sát, nhóm trộm xác định mục tiêu sau đó dùng neo rà lấy ngư lưới cụ. Khi có người cần mua, chúng bán tang vật trực tiếp trên biển.
Ngoài ra, qua điều tra, cơ quan chức năng huyện còn phát hiện thêm 6 nhóm khác trên địa bàn giáp ranh ở xã Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) nghi vấn hoạt động trộm cắp ngư lưới cụ trên vùng biển Trần Văn Thời.
Phúc Hưng