Raymond Martin, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà vệ sinh Anh ước tính quốc gia này đã mất 50% số nhà vệ sinh công cộng trong 10 năm qua. Theo một báo cáo, mức độ hài lòng của công chúng đối với việc dọn vệ sinh công cộng đang ở mức thấp nhất 5 năm.
Martin đã có một cuộc họp vào năm ngoái với hội đồng thành phố London để cố gắng xây dựng hoặc mở cửa trở lại nhiều nhà vệ sinh công cộng hơn. "Nhiều nhà vệ sinh đã bị đóng cửa, vì vậy mọi người buộc phải giải quyết tại bất cứ nơi nào họ thấy tiện, từ ngõ hẻm cho đến góc phố. Đó là một vấn đề lớn", ông cho biết.
Nhiều người Anh đã quen với việc tiểu bậy trong thời kỳ đại dịch. Max Wilkinson, ủy viên hội đồng thị trấn Cheltenham cho biết tình trạng tiểu tiện nơi công cộng luôn diễn ra vào những dịp đông người như lễ hội, nhưng vấn đề này đang trở nên đáng lo ngại trong những năm gần đây.
Wilkinson cho biết hội đồng nhận được rất nhiều lời phàn nàn từ người dân về việc có người đi tiểu vào vườn nhà họ. Các doanh nghiệp cũng báo cáo rằng cửa ra vào và các bức tường tòa nhà luôn dính vệt nước tiểu. Ông cũng chia sẻ rằng chính mắt ông đã từng thấy cảnh một nhóm người quyết định đi tiểu vào tường văn phòng bưu điện ngay giữa ban ngày.
Tim Lord, chủ tịch Hiệp hội Soho, cho biết ngay tại trung tâm London, nhiều người dân đã báo cáo rằng có người tè vào hộp thư hay cửa ra vào nhà họ. "Từ ba đến bốn năm nay, cứ vào hè là toàn bộ Soho bốc mùi khai", Lord chia sẻ.
Ông cũng cho biết rằng cả hai nhà vệ sinh công cộng lớn tại Soho đều đã đóng cửa khi đại dịch xảy ra và dường như sẽ không mở cửa trở lại, mặc dù hội đồng đã có kế hoạch cải tạo.
"Họ thừa nhận rằng có vấn đề, nhưng sau đó vẫn đóng cửa một trong những nhà vệ sinh công cộng lớn tại đây, chứng tỏ rằng họ không có kế hoạch dài hạn hợp lý", Lord nói.
Trong những năm gần đây, nhiều chính trị gia đã kêu gọi tập trung đổi mới dịch vụ nhà vệ sinh công cộng nhưng không mấy thành công. Năm 2023, các thành viên hội đồng Lao động London đã bác bỏ một đề xuất chi 20 triệu bảng cho việc lắp đặt nhà vệ sinh mới tại các ga tàu điện ngầm.
"Đại dịch nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự sạch sẽ, nhưng chúng ta lại không tạo ra cơ sở hạ tầng để hỗ trợ điều đó", Martin cho biết.
Ở Anh và xứ Wales, bạn có thể bị phạt nếu bị bắt quả tang đi tiểu nơi công cộng, thậm chí bị phạt vì "hành vi không đứng đắn" theo Đạo luật Tội phạm tình dục năm 2003 nếu bị kết tội để lộ bộ phận sinh dục. Ở Scotland, cảnh sát đã ghi nhận 1.222 trường hợp vi phạm hành vi tiểu bậy vào năm 2021.
Tuy nhiên phần lớn các trường hợp tiểu tiện nơi công cộng không được báo cáo, trừ khi có cảnh sát đi ngang qua. Wilkinson cho biết ông thường xuyên phải kiểm tra các nền tảng mạng xã hội do hầu hết người dân đều phàn nàn ở đó. Nhiều người dùng mạng thậm chí còn chia sẻ video quay cảnh những người đi tiểu nhằm mục đích bêu xấu.
Ngoài việc gây khó chịu, việc đi vệ sinh bừa bãi còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Theo Wilkinson, việc chứng kiến ai đó giải tỏa nơi công cộng có thể khiến nhiều phụ nữ và nam giới cảm thấy "bị đe dọa". Thêm vào đó, nước tiểu còn có thể ăn mòn các tòa nhà và gây ô nhiễm.
Việc tiểu bậy ở các thị trấn và thành phố còn có thể có tác động xấu đối với các con sông. Tiến sĩ Christian Dunn, giảng viên cao cấp về khoa học tự nhiên tại Đại học Bangor (xứ Wales), đã dẫn đầu một nghiên cứu đo lường sự hiện diện của ma túy ở dòng sông gần đó trong và sau một lễ hội và phát hiện ra mức độ cocaine đủ cao để có khả năng gây hại cho động vật hoang dã ở hạ lưu.
Tại Cheltenham, một biện pháp mà hội đồng thị trấn đã thử trong năm nay là lăn sơn kỵ nước trên tường, khiến nước tiểu bắn ngược lại vào người đi tiểu bậy. Wilkinson cho biết hội đồng cũng đã thực hiện một chiến dịch truyền thông và dán áp phích khắp thị trấn để thông báo cho mọi người biết rằng điều này là không thể chấp nhận được.
Các tài khoản truyền thông xã hội như London Loo Codes đang cố gắng cải thiện khả năng tiếp cận nhà vệ sinh trong thành phố bằng cách duy trì cơ sở dữ liệu về các mã truy cập của các nhà vệ sinh trong các nhà hàng, quán cà phê và tòa nhà công cộng trên khắp thủ đô. Nhiều hội đồng thành phố đã chuyển quyền sở hữu nhà vệ sinh công cộng cho hội đồng thị trấn và giáo xứ địa phương, hoặc các tổ chức cộng đồng để giữ cho chúng hoạt động và đồng thời tiết kiệm tiền.
Các thị trấn và thành phố trên khắp thế giới cũng đã thử các biện pháp khác nhau để xử lý tình trạng tiểu bậy. Thành phố Amsterdam (Hà Lan) sử dụng bồn tiểu kiêm chậu trồng cây GreenPee, có thể xử lý tới 300 lần đi vệ sinh bằng cách để cây gai dầu hấp thụ nước tiểu. Tại Paris (Pháp), các bồn tiểu sinh thái được lắp đặt ở những khu vực có nhiều người đi tiểu, đồng thời thu gom nước tiểu để làm phân bón. Năm 2022, thành phố Boston (Mỹ) đã quyết định thử nghiệm lắp đặt các cảm biến trong thang máy trên hệ thống giao thông để cảnh báo các đội vệ sinh về sự hiện diện của nước tiểu.
Đức Anh (Theo Guardian)