Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: "Thất nghiệp của ta chưa trầm trọng". Ảnh: Hồng Khánh. |
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng mất việc làm của lao động trong và ngoài nước do suy thoái kinh tế toàn cầu?
- Đến giờ con số thất nghiệp cụ thể chưa có. Cách đây mấy tuần, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các Sở yêu cầu doanh nghiệp khảo sát, báo cáo tình trạng thất nghiệp do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhìn chung, tại thời điểm này, mức độ thất nghiệp của ta chưa phải trầm trọng. Thất nghiệp ở Việt Nam không diễn ra ồ ạt như các nước mà trễ hơn một chút, khoảng đầu năm sau.
Riêng xuất khẩu lao động, có tình trạng lao động phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng không nhiều. Hiện tại Đài Loan chỉ khoảng 200 người sắp phải về nước trước thời hạn, Cộng hòa Czech vài trăm người và nước này có cái hay là đã chuyển chủ cho lao động. Malaysia cũng có, nhưng ít hơn.
- Trước nguy cơ thất nghiệp diễn ra vào đầu năm sau, Bộ Lao động đã có giải pháp nào?
- Sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị, trong đó có chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đó là triển khai ngay bảo hiểm thất nghiệp và chính sách cho 61 huyện nghèo cả nước. Như tôi đã nói, quan trọng nhất hiện nay là các địa phương, các ngành phải nắm chắc thông tin doanh nghiệp, khả năng mất việc, nhu cầu việc làm mới, từ đó mới có giải pháp phù hợp.
Còn đối với việc làm ngoài nước, các Ban quản lý lao động lần này sẽ họp với nhiệm vụ trọng tâm là nắm vững tình hình lao động tại các nước, xem khả năng phải về nước trước thời hạn hợp đồng. Thứ hai là xem chính sách của bạn có gì để hướng dẫn doanh nghiệp thu xếp, bảo đảm quyền lợi cho lao động. Thứ ba là có điều kiện thì chuyển chủ cho số người mất việc. Việc phải về nước trước thời hạn là do khách quan, do đó rất cần lao động chia sẻ.
Suy thoái kinh tế thế giới đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
- Các thị trường xuất khẩu lao động đều gặp khó, ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện chỉ tiêu 90.000 lao động xuất khẩu trong năm 2009 do Quốc hội giao?
- Tình hình chắc chắn có khó khăn, nhưng ta có thuận lợi là có rất nhiều thị trường (hiện ta có khoảng 500.000 lao động làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ). Nếu quyết tâm thì ta vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 90.000 lao động của năm 2009.
Để đạt mục tiêu, có nhiều giải pháp, trong đó phải quan tâm tất cả thị trường, từ bình dân đến chất lượng cao. Với thị trường thu nhập không cao như Malaysia thì doanh nghiệp phải chọn hợp đồng tốt, thẩm định kỹ càng và nếu thu nhập 4-5 triệu đồng mỗi tháng là đi được.
- Bộ có khuyến cáo gì với doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới?
- Chúng tôi đã khuyến cáo doanh nghiệp phải theo dõi số người đang làm việc để xử lý tốt quyền lợi cho lao động, tránh để họ thiệt thòi. Nếu bạn có chế độ cho người thất nghiệp thì ta phải đấu tranh bằng được. Với hợp đồng đưa lao động mới thì phải lưu ý thẩm định kỹ hợp đồng, tìm chỗ làm việc ổn định lâu dài, thu nhập khá.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2008, cả nước giải quyết việc làm cho 1,35 triệu lao động, trong đó thông qua các chương trình kinh tế xã hội là 1,1 triệu, xuất khẩu lao động 85.000. 4 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam là: Đài Loan (33.000), Hàn Quốc (16.000), Malaysia (7.800) và Nhật Bản (5.800). |
Hồng Khánh