Theo một nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc Deutsche Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đức, thiệt hại hàng năm do nạn phá và cháy rừng gây ra vào khoảng 2.000-5.000 tỷ USD.
Deutsche Bank tiến hành nghiên cứu theo yêu cầu của chính phủ Đức khi nước này nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Dự án - mang tên Giá trị kinh tế của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học - nhận tiền tài trợ từ Ủy ban châu Âu và được chia thành hai giai đoạn.
Tháng 5/2008, sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án, nhóm chuyên gia kết luận rằng sự suy giảm diện tích rừng có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 7%.
"Tổn thất này không chỉ lớn mà còn xảy ra liên tục vì rừng bị phá và cháy từ năm này sang năm khác. Trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, thị trường chứng khoán phố Wall chỉ mất khoảng 1.000 đến 1.500 tỷ USD, còn thiệt hại do sự thu hẹp diện tích rừng lên tới 2.000-5.000 tỷ USD mỗi năm", Pavan Sukhdev, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố.
Sự thu hẹp diện tích rừng khiến nền kinh tế thế giới mất đi 2.000-5.000 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: dailylife.com. |
Theo Pavan, rừng tạo ra nhiều dịch vụ miễn phí cho nền kinh tế, chẳng hạn như cung cấp nước sạch và hấp thụ khí thải carbon dioxide (CO2). Khi rừng biến mất, nhân loại sẽ phải tự cung cấp các dịch vụ đó thông qua việc xây dựng các hồ chứa nước, các cơ sở xử lý CO2. Nếu không xây dựng những công trình như thế, con người sẽ gánh chịu vô số vấn đề về sức khỏe và phải chi ra một khoản tiền cực lớn để chữa bệnh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn tổn thất rơi vào người nghèo, đặc biệt là những người sống ở khu vực nhiệt đới, bởi cuộc sống của họ phụ thuộc trực tiếp vào rừng.
Đối với các quốc gia phát triển phương Tây, sự biến mất của rừng đồng nghĩa với việc những nước này mất đi công cụ hấp thu những khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm nhất mà thiên nhiên ban tặng.
Một số quốc gia, tập đoàn kinh tế và tổ chức phi chính phủ trên khắp hành tinh đã bắt đầu rót tiền vào hoạt động bảo vệ rừng. Pavan Sukhdev nhận định rằng nhận thức về vai trò của rừng đang thay đổi.
“Tình hình đang thay đổi. Mới chỉ 2 hoặc 3 năm trước, nhiều chính phủ và công ty không hề để ý tới vai trò của rừng. Giờ đây, khi chúng tôi nói về vấn đề ấy, họ đã lắng nghe”, ông nói.
Việt Linh (theo BBC)