Vụ cháy rừng ở thị trấn nghỉ mát Lahaina trên đảo Maui, Hawaii, xảy ra ngày 8/8, khiến 114 người chết và 850 người khác mất tích.
Nhiều người đã thoát khỏi đám cháy theo những cách đầy đau khổ. Các chuyên gia cho biết tác hại của thảm kịch sẽ không biến mất sau khi ngọn lửa bị dập tắt. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy việc hít phải các hạt nhỏ từ khói bụi, tàn dư đám cháy có thể ảnh hưởng đến não bộ, gây suy giảm nhận thức, biểu hiện từ 6 đến 12 tháng, thậm chí nhiều năm sau thảm họa.
Bên cạnh đó, sống sót từ trải nghiệm cận tử cũng làm tăng nguy cơ căng thẳng, sang chấn tâm lý, với các triệu chứng như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và cảm giác tội lỗi đối với những người đã khuất.
"Tất nhiên điều quan trọng nhất trước mắt là sống sót. Nhưng thật không may, những người sống sót cũng có thể bị ảnh hưởng ngắn hạn, thậm chí lâu dài vì đã trải qua thảm họa này", Marc Weisskopf , giáo sư dịch tễ học và sinh lý học môi trường tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết.
Nhiều người mô tả tình trạng khó khăn về nhận thức sau khi thoát khỏi ngọn lửa bằng từ "cháy não" (fire brain).
Dhakshin Ramanathan, phó giáo sư nội trú về tâm thần học tại Đại học California ở San Diego, cho biết chấn thương từ việc sống sót sau các thảm họa thiên nhiên khác với sự cố xảy ra một lần như tai nạn xe hơi hoặc tấn công tình dục.
"Mọi người thường coi môi trường là nơi ẩn náu, một thứ để chữa lành tích cực. Khi thứ tích cực ấy trở nên giận dữ, nhiều người không thể kiểm soát được cảm xúc", ông giải thích.
Một nghiên cứu được thực hiện sau vụ cháy ở California năm 2018 cho thấy hơn 30% người trực tiếp trải qua sự việc có các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Các triệu chứng này phổ biến gấp ba lần so với cộng đồng không ảnh hưởng ở khu vực Bờ Tây.
"Những người bị ảnh hưởng một cách gián tiếp, tức là sống trong cộng đồng nơi xảy ra cháy rừng, cũng có biểu hiện PTSD nhưng ở mức độ thấp hơn", Jyoti Mishra, phó giáo sư tâm thần học tại UC-San Diego, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Những người sống sót có cảm giác tội lỗi, lo lắng và trầm cảm. Andrea Roberts, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe môi trường tại Trường Y Harvard TH Chan, giải thích: "Người ở lại cảm thấy họ nên làm nhiều thứ hơn để giúp đỡ trong đám cháy, điều này tổn hại về mặt tâm lý và gây ra cảm giác tội lỗi".
Nghiên cứu cũng kiểm tra chức năng nhận thức của các nạn nhân trong vòng 6 tháng đến một năm sau vụ cháy. Các nhà khoa học chỉ ra rằng khả năng tập trung của họ suy giảm 20%.
Theo phó giáo sư Mishra, hít phải các hạt vật chất trong vụ cháy có thể dẫn đến phản ứng viêm trong cơ thể, ảnh hưởng đến não bộ, quá trình hoạt động của não.
Khi xem xét chức năng nhận thức của nạn nhân, các nhà khoa học nhận thấy hoạt động của thùy trước não trái tăng cao rõ rệt, tức là nó xử lý quá mức tất cả các kích thích bên ngoài. Điều này thường xảy ra với một bộ não bị chấn thương, giáo sư Mishra nói.
Theo Irva Hertz-Picciotto, giáo sư khoa học sức khỏe cộng đồng kiêm giám đốc Trung tâm Khoa học, Sức khỏe và Môi trường tại Đại học California, kết quả trên phù hợp với "quỹ đạo tâm lý chung" của các nạn nhân sau sự kiện đau thương.
"Mọi người thường sống ổn ngay sau thảm kịch, khi cơ thể chuyển sang chế độ sinh tồn, các hệ thống đều ở trạng thái cảnh giác cao độ. Điều này có thể kéo dài hàng tháng. Nhưng đến một lúc nào đó, họ cảm thấy kiệt sức, cuối cùng sụp đổ, thường xảy ra khoảng nửa năm sau. Lúc này, họ có thể chìm vào trầm cảm", giáo sư Picciotto nói.
Kent Pinkerton, giáo sư nhi khoa tại trường Y UC-Davis, cho biết việc hít phải các hạt nhỏ từ đám cháy ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp. Theo ông, thở bằng mũi trong điều kiện căng thẳng là phương pháp sinh tồn tốt, vì mũi có vai trò như bộ lọc, khiến các hạt vật chất đọng lại ở thành niêm mạc, không đi sâu vào phổi. Tuy nhiên, các tế bào khứu giác có thể mang các hạt này đến não, gây tình trạng viêm mạn tính.
"Viêm ban đầu là phản ứng bảo vệ của cơ thể, giống như khi bạn sốt hoặc bị thương. Tuy nhiên ở một số người, nó kéo dài và để lại tác động lâu hơn", ông giải thích.
Ngoài ra, các kim loại độc hại có thể bám trên những hạt vật chất nhỏ bé này, gây suy giảm nhận thức, Ray Dorsey, giáo sư thần kinh học tại Đại học Rochester, cho biết. Thông thường, ở người mắc Alzheimer và Parkinson, nồng độ kim loại độc hại như chì, sắt, bạch kim cũng cao. Kim loại vượt hàng rào máu não, làm tổn hại cơ chế bảo vệ của não. PTSD cũng là yếu tố dẫn đến chứng mất trí nhớ sau này.
Tác động của việc hít phải khói từ cháy rừng, kết hợp sang chấn tâm lý tạo ra vấn đề phức tạp mà các nhà khoa học cần tìm hiểu thêm, phó giáo sư Mishra nhận định.
Thục Linh (Theo Washington Post)