Ảnh của những lính đặc nhiệm thiệt mạng trong chiến dịch truy sát khủng bố tại Mumbai trong buổi lễ tôn vinh họ vào ngày 15/12. Ảnh: Reuters. |
Prashant Mangeshikar, một bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở Mumbai, bị kẹt trong khách sạn Taj Mahal Palace cùng với vài trăm khách khi các tay súng xông vào khách sạn và xả súng bừa bãi. Ông cùng nhiều người chạy vào một phòng và chờ đợi.
Vài giờ sau, một số cảnh sát vào phòng và thông báo rằng bọn khủng bố đang bị bao vây ở tầng khác nên mọi người có thể rời khỏi khách sạn. Một số người chạy ra ngoài nhưng Prashant quyết định ở lại.
“Khoảng 20 hoặc 30 người rời khỏi phòng và chạy ra ngoài, nhưng tất cả đều bị bắn chết”, ông nói.
Shilpa, một nhà thiết kế thời trang, cho biết, người bác gái của cô bị bắn chết, còn người anh họ bị thương nặng vì rời khỏi khách sạn Taj Mahal Palace theo chỉ dẫn của cảnh sát.
“Hành động của những cảnh sát ấy thật đáng lên án. Họ không có quyền mạo hiểm với tính mạng của người khác”, Shilpa nói.
Khách sạn Taj Mahal Palace chìm trong biển lửa trong cuộc tấn công của khủng bố vào đêm 26/11. Ảnh: Reuters. |
Người chỉ huy chiến dịch truy sát bọn khủng bố tại khách sạn Taj Mahal Palace vào đêm 26/11 phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới các cảnh sát dưới quyền.
Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào thủ đô tài chính Ấn Độ bắt đầu từ rạng sáng 26/11. Nhiều tay súng đã đồng loạt nã đạn ở hai khách sạn lớn, một nhà ga, bệnh viện, quán ăn và trung tâm Do Thái giáo ở Mumbai. Chúng cố thủ trong các tòa nhà, bắt giữ con tin và chống trả lực lượng an ninh Ấn Độ.
Bọn khủng bố dường như đã chuẩn bị rất kỹ càng và nghiên cứu kỹ đường đi lối lại của các mục tiêu. Chúng có đủ hỏa lực để giết chết 5.000 người và không hề đưa ra yêu sách để thả con tin.
Sau 60 giờ chiến đấu, đến chiều 28/11, đặc nhiệm Ấn Độ đã truy quét hết những tên khủng bố cuối cùng, giải cứu hàng chục con tin, có cả người còn sống và những người xấu số thiệt mạng. Thương vong của thường dân sau ba ngày giao tranh lên đến 195 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ, ông Shivraj Patil, đã từ chức vì không ngăn chặn được vụ thảm sát.
Minh Long (theo BBC)