Tại hội thảo chia sẻ sáng kiến và bài học kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp ở TP HCM, ngày 19/8, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM), kể lại câu chuyện thực tế ở một doanh nghiệp khi xử lý hành vi quấy rối tình dục.
Ông giám đốc công ty sau khi bị tố cáo vì quấy rối nữ nhân viên được điều chuyển làm nhân viên hành chính thuộc tổng công ty. Còn nạn nhân chịu không nổi điều tiếng phải nộp đơn nghỉ việc. Hết thời gian bị xử lý, giám đốc được bổ nhiệm phó tổng giám đốc tổng công ty, lại tiếp tục quấy rối thư ký của mình.
Để có bằng chứng, cô gái cùng với người yêu đặt camera quay lén trong phòng làm việc. Sau đó, ông này bị doanh nghiệp xử lý bằng hình thức cách chức. Tuy nhiên, một tình huống không ngờ tới là thư ký và bạn trai bị phó tổng giám đốc tố cáo đặt camera quay lén, làm lộ bí mật hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả nạn nhân và bạn trai bị xử lý hình sự.
Theo ông Sự, pháp luật quy định muốn xử lý hành vi quấy rối tình dục phải có bằng chứng nhưng không ai dại dột quấy rối ở nơi công khai. "Trường hợp của cô thư ký nọ, pháp luật đã không bảo vệ được nạn nhân", ông Sự nói. Chính những bất cập đó khiến nhiều người ở thế yếu e ngại, không dám tố cáo.
TS Dương Hiền Hạnh, giảng viên Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), dẫn ví dụ do đặc thù môi trường làm việc, những người phục vụ phòng ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng bị quấy rối tình dục thường xuyên. Các hành vi hay gặp là cố tình động chạm, sờ soạng... Tuy nhiên, khi họ lên tiếng, câu trả lời của cấp trên thường là "đi đâu cũng vậy thôi". Họ được động viên "nên bỏ qua".
Bà Hạnh cho rằng nhận diện các hành vi, thu thập bằng chứng nạn quấy rối tình dục đã khó, các hình thức xử lý kỷ luật lại không đủ sức răn đe. Nếu là nhân viên thì không có chức để cắt, kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng cũng không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Hình thức nặng nhất là sa thải, họ cũng dễ dàng tìm được việc khác và lý lịch vẫn rất trong sạch. Trong khi người tố cáo lại chịu rất nhiều điều tiếng.
Theo bà Hạnh, tệ hơn là tâm lý đổ lỗi theo kiểu "không có lửa làm sao có khói" khiến người bị quấy rối không dám lên tiếng. Ngay cả hành vi "nhìn gợi tình", nhiều người cho rằng do nạn nhân mặc hở hang. "Phải xác định rõ ăn vận thế nào là quyền của mỗi cá nhân, nhưng cái nhìn khiến người khác thấy khó chịu, bị xúc phạm là lỗi của anh", bà Hạnh nói.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), nói quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn khá chung chung. Để tạo môi trường làm việc lành mạnh, các doanh nghiệp nên cụ thể hóa, chi tiết từng hành vi theo đặc thù của ngành nghề, quy mô hoạt động sản xuất. Các quy định này cần đưa vào nội quy lao động để làm căn cứ khi xử lý.
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nạn quấy rối tình dục ở những nơi mình từng làm việc, ông Ân Đặng, đại diện Công ty Omega Media, nói rằng doanh nghiệp nên có một tổng đài riêng để tiếp nhận phản ảnh của nhân viên. Thông tin về các vụ việc cần được bí mật và xử lý triệt để.
Ngoài ra, ông Ân cho rằng trẻ em có "quy tắc 5 ngón tay" để phòng chống xâm hại tình dục, tức những người nào được tiếp xúc gần, động chạm vào bộ phận của cơ thể. Tương tự, nơi làm việc cũng nên có quy định cụ thể để các nhân viên tự bảo vệ mình và có cơ sở để xử lý những hành vi vượt giới hạn.
Ông Đặng Minh Sự đề xuất nên xây dựng "lý lịch tư pháp" doanh nghiệp để khuyến khích các ông chủ làm tốt, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, có cơ chế bảo vệ lao động nữ, trong đó có bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc.
"Lý lịch tư pháp" không phải là rào cản mà sẽ là động lực để doanh nghiệp làm tốt nhất, giữ hình ảnh", ông Sự nói cho rằng những công ty có uy tín sẽ nhận được thiện cảm từ đối tác, chính quyền và người lao động.
Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VCCI đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trên cơ sở cập nhật quy tắc hồi năm 2015, dự kiến ban hành trong quý 3/2022.
Ban soạn thảo định nghĩa quấy rối tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận; phân chia dưới ba hình thức: Hành vi mang tính thể chất; quấy rối bằng lời nói và phi lời nói.
Lê Tuyết