Theo luật sư Lê Đức Tiết, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đơn dài hơn 30 trang tiếng Anh. Nội dung đơn chỉ rõ Tòa phúc thẩm Mỹ đã làm sai nguyên tắc pháp luật của Mỹ (không căn cứ vào đơn kiện của các nạn nhân mà lại căn cứ vào đơn chối cãi của các công ty hóa chất Mỹ) và Tòa đã phủ nhận một thực tế rõ ràng, được cả thế giới công nhận rằng dioxin là chất độc.
Ông Tiết cho biết thêm, nếu được chấp nhận đơn thỉnh cầu, các nạn nhân Việt Nam mới có quyền gửi đơn kháng cáo lên Toà tối cao Mỹ, tiếp tục vụ kiện đòi công lý cho 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Nếu không được chấp nhận, các nạn nhân vẫn có thể tiếp tục vụ kiện ở những khu vực khác của Mỹ. Việc từ chối của Toà tối cao chỉ có giá trị pháp lý trong khu vực số 2, nơi các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang đệ đơn.
Hôm nay, ngay sau khi luật sư nộp đơn thỉnh cầu, tại thềm Tòa tối cao Mỹ tại New York sẽ diễn ra họp báo. Chủ trì là luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ông Johnathan Moore, với sự tham dự của hai nạn nhân Việt Nam là bà Đặng Hồng Nhựt và chị Trần Thị Hoan.
Trước đó, tháng 9/2005, sau khi có bản phán quyết của Tòa sơ thẩm Mỹ, nguyên đơn là các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam và bị đơn là các công ty sản xuất chất độc da cam của Mỹ đã đưa bản kháng án lên Tòa phúc thẩm Mỹ. Ngày 18/6/2007, tại tòa phúc thẩm Mỹ đã diễn ra phiên tranh tụng giữa hai bên. Ngày 22/2/2008, Tòa phúc thẩm Mỹ đã tuyên bố không chấp nhận việc thụ lý đơn kiện của các công dân Việt Nam.
Các thẩm phán Mỹ cho rằng, chất da cam đã được sử dụng với mục đích khai quang, chứ không như một chất độc nhằm gây hại cho người. Bên nguyên không chứng minh được việc sử dụng chất da cam là vi phạm lệnh cấm dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh, và không chứng minh được bệnh tật của các nguyên đơn có liên quan đến hóa chất này.
Hồng Khánh