Chiều tối nay, tại TP HCM, bà Đặng Hồng Nhựt (67 tuổi) - Giám đốc Trung tâm dạy nghề người tàn tật và trẻ mồ côi TP HCM, Trưởng đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết, chuyến đi đã đạt được mục đích đề ra ban đầu là tìm thêm những người bạn sát cánh cùng các nạn nhân dioxin giành công lý.
Hai nạn nhân cũng là thành viên chính của đoàn báo cáo chuyến đi. Ảnh: Thiên Chương. |
Đồng hành cùng bà Nhựt là chị Trần Thị Hoan, 22 tuổi, một nạn nhân chất độc da cam khác. Chị Hoan hiện là sinh viên Trường Ngoại ngữ Tin học HUFLIT TP HCM, và đang sinh sống tại Làng Hòa Bình bệnh viện Từ Dũ.
"Điều khiến chúng tôi vui mừng nhất là các cựu binh Mỹ đã cùng phát biểu, đồng cảm với chúng tôi khi bản thân một vài người trong số họ cũng bị bệnh do nhiễm chất độc da cam. Ở những lần vận động trước, các cựu binh giữ vai trò như những người dẫn đường, hoặc chỉ tham dự chứ không ủng hộ như lần này", bà Nhựt nói.
Đoàn đã đến 10 thành phố thuộc 8 tiểu bang của Mỹ để gặp gỡ nhiều sinh viên học sinh, cựu chiến binh Mỹ, các nhà khoa học, công đoàn, tôn giáo, luật sư, y bác sĩ và y tế cộng đồng, bảo tàng... để kêu gọi nhân dân nước này hiểu thêm về ảnh hưởng của chất độc dioxin mà Mỹ từng rải xuống Việt Nam trong chiến tranh cũng như sự ảnh hưởng của nó đến đời sống người dân thời hậu chiến, đồng thời kêu gọi nhân dân Mỹ ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện.
Ngoài ra, trong hơn một tháng ở Mỹ, đoàn đã có 14 buổi gặp gỡ và làm việc với đại diện của Nghị sĩ Quốc hội. Tất cả đều tỏ ý ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 6/10, khi đoàn nộp bản kháng cáo lên toàn án Tối cao Mỹ, một cuộc họp báo đã diễn ra ngay trước thềm tòa án Tối cao, tạo được nhiều chú ý đối với công luận nước này.
Đây là đoàn thứ năm của Việt Nam sang Mỹ thực hiện công việc trên, tuy nhiên cũng là đoàn đầu tiên có thành phần là những nạn nhân của chất độc da cam.
Thiên Chương