Thứ ba, 7/1/2025
Thứ bảy, 7/2/2015, 02:00 (GMT+7)

Nạn nhân bom mìn ở Vị Xuyên được lắp chân tay giả

Người bị cụt chân khi đi nương, người mất cánh tay khi cày trên chính mảnh ruộng nhà mình, do vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến tranh biên giới..., đều đã được lắp chân tay giả miễn phí trong ngày 6/2.

Ngày 6/2, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn phối hợp cùng Bệnh viện điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Hà Giang đo lắp tay chân giả cho những nạn nhân, mất một phần cơ thể do bom mìn sau chiến tranh ở xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Nơi đây là chảo lửa trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Quân Trung Quốc đã tập trung một lực lượng lớn binh lực, hỏa lực nhằm lấn chiến dần biên giới. Các điểm như đồi Cô Ích, đồi Đài, Cót Ép, Bốn Hầm… chịu số lượng đạn pháo với mức độ hủy diệt. Trung bình mỗi ngày, pháo cối của Trung Quốc rót sang từ 10.000 đến 20.000 quả, có ngày lên đến 65.000 quả (7/1/1987). Từ năm 1984 đến 1989, số lượng đạn pháo Trung Quốc bắn vào đất Hà Tuyên cũ là trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Phạm vi bắn phá tập trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ trong khoảng diện tích 20 km2.

Anh Nguyễn Văn Kim (42 tuổi), trú thôn Thanh Sơn, bị mất cả hai cánh tay vì kíp nổ cách đây 5 năm khi đang phát rẫy trồng ngô. Khi bị thương, người đàn ông này vẫn còn sức chạy gần một km tới đơn vị bộ đội đóng quân ở gần đó nhờ cấp cứu. Anh phải nằm điều trị gần 2 tháng ở Bệnh viện Đa khoa Hà Giang. “Giờ thì tôi không làm nổi việc gì, đến ăn còn không xong, nhiều khi vợ còn phải đút cho ăn”, anh nói.

Anh Bồn Văn Đặng (29 tuổi, dân tộc Dao) bị mất chân phải, hàng tháng được hưởng trợ cấp 300.000 đồng. Gia đình anh Đặng có 4 người gặp nạn do hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Trong đó, một người chết còn 3 người bị cụt chân.

Được tặng chiếc xe lăn để di chuyển, anh Bồn Văn Hòn (46 tuổi) rất vui vì không phải phụ thuộc hoàn toàn vào đôi nạng gỗ nữa. Anh bị cụt 2 chân do dẫm phải mìn vào năm 2000.

Các bác sĩ Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng Hà Giang đo tay giả cho ông Nguyễn Đức Dân, 54 tuổi, người thôn Giang Nam. Năm 1993, ông Dân đi đào mương hợp tác xã và vấp phải ngòi nổ DK85. Nhiều năm qua, ông chỉ trông được nhà cho vợ và cầm bút viết tên mình. Mỗi khi trái gió trở trời là hai tay đau nhức, cơ mặt, cơ mắt giật liên hồi. Kỹ thuật viên Vũ Văn Khiêm cho hay, lắp tay giả cho ông chỉ có chức năng thẩm mỹ, không thể hoạt động.

Kỹ thuật viên Mai Hùng Cường đắp thạch cao để tạo khuôn mẫu chiếc chân giả cho anh Lục Xuân Ngọc (27 tuổi). Bị mất một chân từ lúc 15 tuổi, chàng trai người Dao này vẫn cố học cho xong cấp 3 rồi nghỉ.

Dựa vào các khuôn mẫu bằng thạch cao, kỹ thuật viên chế tạo ra chân, tay giả bằng nhựa polymer cho người bị nạn. Theo giá thị trường, mỗi chân giả giá từ 3 đến 5 triệu đồng, còn tay giả thì đắt hơn bởi nguyên liệu nhập ngoại. Tuy nhiên, các nạn nhân hôm nay được lắp miễn phí.

Kỹ thuật viên Mai Hùng Cương gắn vó với những chiếc tay, chân giả hơn 10 năm nay, chủ yếu tạo lắp cho thương binh, người bị vấp phải bom mìn sau chiến tranh.

Ông Bồn Văn Hòi, Phó chủ tịch xã Thanh Thủy cho hay, cả xã có 42 nạn nhân bom mìn sau chiến tranh, tập trung ở các thôn giáp biên như Nậm Ngặt, Hán Dương, Giang Nam. Còn số trâu bò, ngựa chết vì bom mìn không đếm hết. "Đối với các trường hợp trên, xã lập danh sách gửi lên phòng thương binh xã hội huyện để làm chính sách theo quy định. Tùy vào mức độ thương tật mà số tiền trợ cấp dao động từ 200 đến 500 nghìn đồng".

“Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, quân và dân Hà Giang đã kiên cường bám trụ, giữ vững vùng biên ải thiêng liêng của tổ quốc, làm thất bại âm mưu xâm lược của giặc. Chính trên mảnh đất này, đáng lẽ đồng bào các dân tộc Hà Giang phải được sống yên bình, được yên tâm sản xuất nâng cao đời sống, xứng đáng với công sức, máu xương đã đổ ra để gìn giữ, thì ngược lại hàng trăm nạn nhân đang chịu cảnh mất mát, thương tật vẫn đang rình rập, đe dọa bà con nơi đây”, trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn nói. Hiện công tác rà phá bom mìn ở khu vực Thanh Thủy gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, núi cao, nhiều dị vật nhiễm từ bị vùi lấp xuống khe sâu, lòng sông, lòng suối.

Hoàng Phương