Một báo cáo hôm 27/5 của Trung tâm chống thù hận người Mỹ gốc Á tại San Francisco, cho thấy người gốc Á cảm thấy bầu không khí bạo lực và thù ghét gây nhiều căng thẳng hơn cả đại dịch, dù tỷ lệ thất nghiệp và tác động lên sức khỏe do Covid-19 gây ra cao hơn nhiều. Mùa thu năm 2020, người Mỹ gốc Á ở San Francisco chiếm gần 40% số ca tử vong do Covid-19.
Theo báo cáo, những người gốc Á từng bị phân biệt chủng tộc trong đại dịch có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và một trên năm người có dấu hiệu sang chấn tâm lý. Từ tháng 3/2020 đến tháng 3, trung tâm này ghi nhận 6.600 sự việc liên quan đến thù hận người gốc Á. Những vụ quấy rối bằng ngôn từ chiếm khoảng 2/3 và hành hung chiếm 12%.
Người Mỹ gốc Á trải qua vấn nạn phân biệt chủng tộc trong hơn một thế kỷ. Song, tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của Covid-19 đã đẩy độ nghiêm trọng lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
"Điều làm tôi choáng váng là người gốc Á từng bị phân biệt chủng tộc coi đó là nỗi sợ lớn hơn cả đại dịch – thứ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người", theo giáo sư Russell Jeung từ Đại học San Francisco. Họ có thể phòng dịch bằng nhiều biện pháp như đeo khẩu trang, nhưng không biết cách đối phó hiệu quả đối với tội ác thù hận, Richelle Concepcion, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học người Mỹ gốc Á, giải thích.
Theo nghiên cứu của giáo sư Hyeouk Chris Hahm từ Đại học Boston và giáo sư nhi khoa Cindy Liu của Đại học Y Harvard, một số người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tuy không trực tiếp trở thành nạn nhân.
"Dù chỉ chứng kiến hoặc biết qua Facebook, họ cũng xuất hiện các triệu chứng như căng thẳng, tim đập nhanh, lo lắng liên tục. Một số cảm thấy cần tránh đi đến những nơi nhất định vì sợ điều bất trắc xảy ra", Concepcion nói.
Anni Chung, giám đốc điều hành của Self-Help for the Elder - một công ty hỗ trợ người cao tuổi nhập cư, có thu nhập thấp, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy bạo lực xảy ra với người cao tuổi nhiều như hiện nay. Họ thích đi dạo buổi sáng ngoài công viên hoặc tập thái cực quyền. Song, những hoạt động này buộc phải tạm dừng".
Theo bà, vụ việc một người đàn ông dùng dao đâm hai phụ nữ gốc Á cao tuổi trên phố khiến họ bị thương hôm 4/5 là tội ác thù ghét gần nhất nhắm vào người Mỹ gốc Á. Những sự kiện như vậy đè nặng lên tâm lý người già mà bà đang hỗ trợ.
"Nỗi sợ hãi là thật. Các cụ chỉ ở nhà, không đi ra ngoài mua sắm hoặc hít thở không khí trong lành. Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của họ".
Theo Trung tâm chống thù hận người Mỹ gốc Á, việc báo cáo những sự vụ liên quan đến phân biệt chủng tộc có thể giảm mức độ căng thẳng. "Nhiều người biến cơn giận dữ thành hành động. Họ không chịu ngồi yên", giáo sư Jeung cho hay.
Tuy nhiên, có lo ngại rằng những cư dân cao tuổi bị stress có thể không biết cách tìm trợ giúp hoặc gặp rào cản ngôn ngữ. Ngoài ra, cách nhìn nhận của họ về sức khỏe tâm thần cũng cản trở việc tìm kiếm hỗ trợ. Điều này làm gia tăng nguy cơ tổn thương lâu dài do căng thẳng dâng cao, cùng với sự bất lực làm tâm trí không yên, khiến người già giảm tương tác xã hội.
"Họ không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Họ không gọi cho con cái khi chán ăn hoặc khó ngủ. Đó là những triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng người già không nhận ra", Chung chia sẻ.
Những người tin vào quy luật cân bằng của cơ thể cho rằng họ bị bất ổn do ăn nhiều đồ nóng hoặc đồ lạnh. "Nếu bạn khuyên họ đi khám tâm lý, họ sẽ khẳng định rằng bản thân vẫn ổn", bà Chung nói.
Nhà tâm lý học Concepcion cho biết ngoài thay đổi trong ăn uống và nghỉ ngơi, căng thẳng, trầm cảm còn biểu hiện qua những cơn đau đầu hoặc mệt mỏi. "Vì thế, các bác sĩ cần kiểm tra bệnh nhân kỹ hơn trước khi kết luận người đó chỉ bị mất ngủ hoặc đau đầu", bà khuyến cáo.
Theo bà Concepcion: "Hướng dẫn ai đó về kiến thức chung của tâm lý học là chưa đủ. Bạn cần xem xét từng trường hợp cụ thể dưới góc nhìn văn hóa".
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ đang áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo như tổ chức "không gian chữa lành" trực tuyến, mở lớp học khiêu vũ hoặc các hoạt động sáng tạo khác. Mục tiêu là thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân và không nhấn mạnh khía cạnh điều trị.
Đại dịch đã làm gián đoạn các hoạt động xã hội như đi dã ngoại hay chơi bingo. Bà Chung chia sẻ: "Người cao tuổi rất cần được tương tác. Họ không muốn con cái lo lắng. Dù có bệnh, họ cũng chẳng nói với các con cho đến khi tình trạng trở nặng. Chúng tôi trấn an các cụ rằng công việc của trung tâm là lắng nghe mọi nỗi đau của họ".
Theo bà, có nhiều cách đơn giản để giúp đỡ người cao tuổi như cùng họ đi dạo hoặc đến ngân hàng. Dù nhỏ nhặt, những hành động này lại mang đến lợi ích lâu dài.
Vào tháng 3, Thị trưởng San Francisco đã phê duyệt gói hỗ trợ cho trung tâm của bà Chung, giúp bà có thể thuê nhân viên hộ tống người già đi dạo, mua thực phẩm hoặc đi khám.
"Chúng tôi thuê năm người và đã nhận 80 yêu cầu của khách hàng. Điều này giúp họ thấy bình thường trở lại. Tuy nhiên, trung tâm không thể đáp ứng mọi nhu cầu. Với những cụ không có người thân đi cùng, họ sẽ phải xoay xở ra sao?", bà nói.
Mai Dung (Theo USA Today)