Trong thực tế, ước mơ của Vinh cùng hàng nghìn em bé nhiễm HIV và nghi nhiễm khác, vẫn là khát vọng xa vời. Bởi, dù các tổ chức xã hội có cố gắng, dù gia đình cố nài nỉ, thì sự kỳ thị của nhiều người trong cộng đồng đã lập nên một rào cản ngăn em hòa nhập. Một lý do đơn giản chỉ vì nhiều phụ huynh không muốn rước thêm một mối lo toan, rằng "con tôi có thể bị nhiễm bệnh nếu trong trường có học sinh bị sida".
Với Vinh cũng vậy. Bà ngoại của cậu bé mồ côi nhiễm HIV nghẹn ngào kể với VnExpress.net: "Lần nào nghe cháu năn nỉ đến trường, tôi lại trào nước mắt. Nói làm sao cho cháu hiểu bởi hơn ai hết, tôi là người muốn nó được sống như bao đứa trẻ khác. Khổ nỗi, khi bố mẹ nó vừa qua đời là cả xóm làng đều biết. Lúc đó nó còn nhỏ xíu, tôi đưa nó đến trường mầm non, vừa hỏi xong lý lịch thì cô hiệu trưởng đã lắc đầu từ chối. Cô bảo cô không sợ nhưng không muốn phụ huynh phát lo lên vì nghe tin".
Một ngày cuối tháng năm, tức 6 năm sau khi bị nhà trường từ chối, nhìn cháu giờ đây tung tăng chơi đùa trên khoảng sân giữa Trung tâm nuôi dạy chăm sóc trẻ Tam Bình, quận Thủ Đức, bà cụ bùi ngùi nhớ lại, sau lần bị từ chối, bà cố gắng tìm đến một trường xa hơn để mọi người đừng biết. Quả thật cháu được nhận, nhưng chỉ một tuần sau, thằng nhỏ lại bị trả về với nhắn nhủ của trường: "Nhiều phụ huynh đã biết".
Được đến trường như bao trẻ em khác giúp các bé nhiễm HIV sống khỏe hơn. Ảnh: Thiên Chương. |
Kể về nỗi vất vả khi đưa cháu có bố mẹ bị HIV đến trường, chị Hà ở quận 4, TP HCM, nước mắt ngắn dài buồn tủi. "Từ khi bố cháu mất vì HIV, tin đồn nhanh chóng lan ra. Phụ huynh trong trường bắt đầu phản ứng. Dưới áp lực của sự kỳ thị, cháu buộc phải nghỉ để tìm trường khác", chị Hà nói.
Thương cháu, chị đưa bé đến một trường khác nhưng không hiểu sao nhà trường biết bé là con của người nhiễm HIV nên e ngại và từ chối. Một ngôi trường khác cách nhà 10 km được chị chọn với hy vọng thông tin ác nghiệt không đến tai mọi người. Thế nhưng sau một tuần, thông tin cũng bị rò rỉ.
"Tuy còn bé nhưng trước sự việc bất bình thường, bé thường thắc mắc tại sao lại bị các trường từ chối hoài. Không dám trả lời vì sợ bé mặc cảm, nhưng muốn cháu được đến trường như mọi người, tôi quyết định đưa cháu đến ngụ tại một địa phương khác. May mắn, một cô hiệu trưởng thương xót tình cảnh đã nhận cháu vào", chị Hà tâm sự.
Ngoài trường hợp của bé Vinh ở Đồng Nai, cháu chị Hà ở quận 4, các trung tâm nuôi dạy trẻ nhiễm và nghi nhiễm HIV Tam Bình (Thủ Đức), Mai Hòa (Củ Chi), Nắng Mai (quận 4) đã trở thành nơi neo đậu cuối cùng của những em nhỏ khốn khổ.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Tam Bình giãi bày: "Thương lắm những đứa trẻ ở độ tuổi lẽ ra phải được đến trường, lại phải ngơ ngác không hiểu sao mình bị từ chối. Người lớn không dám nói thật vì sao chúng bị kỳ thị, lũ trẻ đến trung tâm và học hành luôn tại đây, nhưng Tam Bình cũng chỉ đảm nhận được việc dạy dỗ đến hết cấp một".
Theo ông Trung, trung tâm đang chăm sóc và nuôi dạy gần 100 trẻ nhiễm HIV, trong đó có 6 em đang theo lớp 6 và kết quả cuối năm học vừa qua có đến 4 em đạt học sinh khá. "Đây là niềm hạnh phúc không chỉ của bản thân các em mà của cả chúng tôi. Nếu xã hội không hợp tác, nhà trường không dám nhận các em vào học, chắc chắn các em không vui sống khỏe mạnh như bây giờ", ông Trung nói.
Về tình trạng kỳ thị trẻ nhiễm HIV, thầy Dương Hoàng Tuấn, hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Hiệp, Thủ Đức, thừa nhận, năm học 2008-2009, theo chủ trương Nhà nước, khi trường công khai thực hiện tiếp nhận trẻ em nhiễm HIV cũng là lúc hàng trăm phụ huynh gọi điện hoặc trực tiếp đến trường, để phản ứng gay gắt. Nhiều phụ huynh nhất định xin cho con họ chuyển trường vì lý do không thể để con họ sống chung với trẻ nhiễm HIV hoặc nghi nhiễm. "Chúng tôi phải giải thích nhiều lần việc phân công thầy cô gìn giữ các trẻ để không ảnh hưởng đến em khác, nhưng mãi đến cuối năm học, tình hình mới tạm lắng", thầy Tuấn nói.
Theo tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM, thành phố này hiện có khoảng 60.000 trẻ nhiễm HIV và nghi nhiễm. Trong khi đó, lượng trẻ được các trung tâm, nhà mở cưu mang chỉ khoảng 7%.
"Còn rất nhiều trẻ vẫn chưa có cơ hội được hòa nhập cộng đồng. Chính sự kỳ thị sẽ giết chết các em trước khi bệnh tật hành hạ", ông Giang nói.
Để xóa dần sự kỳ thị, những ngày cuối tháng 5, UBND TP HCM đã đồng ý cho Ủy ban Phòng chống AIDS TP thực hiện chương trình Chăm sóc trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Cụ thể là thực hiện chiến dịch truyền thông tạo sự đồng thuận của xã hội đưa trẻ đến trường, học tập sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường.
Bà Phạm Thị Bích Hạnh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, từ năm 2007, để giúp trẻ nhiễm hòa nhập cộng đồng, cán bộ trong ngành giáo dục không chỉ hiểu biết về căn bệnh mà còn được tập huấn cách chăm sóc các cháu.
Còn theo thầy Dương Hoàng Tuấn ở trường tiểu học Xuân Hiệp, để phụ huynh yên tâm, khi đến trường, các trẻ nhiễm HIV sẽ được chăm sóc thật cẩn thận. "Toàn bộ giáo viên đều được tập huấn khả năng chống lây bệnh, đồng thời để tránh sự phân biệt đối xử, chỉ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế biết việc các em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS", thầy Tuấn nói.
Nhận xét về khả năng lây bệnh trong trường học, tiến sĩ Lê Trường Giang cho rằng, nếu giáo viên và bản thân các em được trang bị đầy đủ kiến thức, việc lây cho bạn học bằng tiếp xúc thông thường sẽ không thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Tam Bình cũng khẳng định, chỉ với vài giờ đồng hồ ngồi tại lớp học, khả năng lây bệnh là rất khó. "Chính chúng tôi, những người ôm ấp chăm sóc các em mỗi ngày còn không bị lây nhiễm, thì việc ngồi học cùng mà khiến bạn học nhiễm là không thể xảy ra", ông Trung nói.
Thiên Chương