3h30 ngày cuối tháng 7, trên sông Tiền, đoạn cồn Thới Sơn và xã Bình Đức (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), khu vực cách cầu Rạch Miễu 6 km, màn đêm tối mịt, tiếng máy của ghe hút cát vang cả một đoạn sông.
Với khoảng cách 20 m, dưới ánh đèn pha của ghe chạy ngang, gần 10 ghe gỗ tải trọng loại gần 20 m3, không biển đăng ký đang chạy máy hút cát. Trên sà lan sắt tải trọng trên 100 m3 cạnh đó, người đàn ông đội đèn pin cầm vòi hút thả xuống sông, cát theo nước tuôn ào ào vào sà lan lúc này đã đầy khoảng 2/3.
Phát hiện đèn từ ghe lạ, người đàn ông ngồi phía sau dùng đèn pha lại, rồi bất ngờ cầm điện thoại gọi cho ai đó, lát sau họ nhanh tay thu vòi hút cát lên sà lan. Sà lan sau đó nổ máy chạy hết tốc lực vào một con kênh nhỏ gần đó, trong khi những chiếc ghe gỗ cũng đã nhanh chóng rời đi.
Đây là khu vực "cát tặc" hoạt động rầm rộ vào ban đêm trên sông Tiền, dù hiện nay, tỉnh Tiền Giang chưa cấp phép cho khai thác mỏ cát nào trên địa bàn.
"Ngoại trừ những hôm có lực lượng tuần tra, hầu như đêm nào cũng có trên chục ghe hút cát trộm", anh Nguyễn Hoàng Thái, một người dân địa phương nói và cho biết, do khu vực này nhiều hộ nuôi cá bè, nên người dân lo ngại việc khai thác cát trái phép làm ô nhiễm nguồn nước, sạt lở nhà ven sông. Một số người dân tố cáo nạn trộm cát cũng bị số điện thoại lạ gọi, nhắn tin đe dọa "xử đẹp".
Theo nhiều người kinh doanh lĩnh vực cát xây dựng, bình quân một khối cát san lấp hiện có giá 80.000-100.000 đồng. Ước tính, sau khi trừ chi phí nhiên liệu, nhân công, chiếc sà lan sắt cũng kiếm hơn chục triệu đồng một đêm hút cát trộm.
Tại Bến Tre, hiện nay tỉnh này đã cấp phép hoạt động bốn mỏ cát tại Châu Thành, Chợ Lách và Giồng Trôm, tuy nhiên tại một số nơi khác, nạn hút cát trộm vẫn diễn ra.
Trưa 11/7, cách chân cầu Rạch Miễu hơn 100 m, đối diện Khu du lịch Cồn Phụng (Châu Thành, Bến Tre), đang có gió, sóng trên sông khá lớn, nhưng một ghe gỗ loại trên 10 m3 vẫn thản nhiên thả "vòi bạch tuộc". Một người trên ghe giữ vòi hút, trong khi người đàn ông khác và một bé trai lần lượt dùng chân, tay san phẳng cát trên ghe. Gần 20 phút, chiếc ghe đã đầy cát, người đàn ông cùng bé trai thu vòi hút lên ghe rồi nổ máy rời đi.
Theo người dân địa phương, đa số những ghe tải trọng nhỏ này là của người dân ở gần khu vực giáp ranh với tỉnh Tiền Giang. Khi nào có đoàn kiểm tra những ghe này không xuất hiện, còn bình thường họ vẫn hút cát trộm quanh chân cầu .
Ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, yêu cầu kiểm tra, xử lý nạn ghe, tàu hút cát trộm xung quanh cầu.
"Hành lang an toàn tính từ mép cầu ra ngoài 150 m, gần đây xuất hiện nạn ghe, tàu hút trộm cát. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các trụ cầu", ông Nam cho biết.
Thượng tá Lê Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Bến Tre cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã phát hiện hơn 650 phương tiện khai thác cát trái phép, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, xử phạt gần 5,5 tỷ đồng.
Theo thượng tá Minh, việc tuần tra xử lý gặp khó khăn do dân hút cát thường trả lương cho một số người dân để theo dõi lực lượng chức năng và cảnh giới khi họ ra quân. Hiện nay, một số trường hợp người dân ghi hình phương tiện trộm cát, kiến nghị cơ quan chức năng phạt nguội cũng rất khó khả thi. Lý do là phải trực tiếp đo, xác định khối lượng vi phạm cụ thể mới đưa ra mức xử lý tương ứng.
"Theo quy định, chỉ ghe bị phát hiện hút cát trái phép có khối lượng trên 50 m3 mới bị tịch thu phương tiện, còn xử lý thông thường là buộc trả cát lại lòng sông, hình phạt với khung cao nhất 200 triệu đồng, thấp nhất 1-3 triệu", thượng tá Minh nói và cho biết, do chế tài thấp và quy định chưa hợp lý, nên dân hút cát sẽ lách luật, hút trộm dưới khối lượng quy định để khỏi bị tịch thu phương tiện.
Hoàng Nam