Những ngày đầu tháng 10, nhiều đàn chim sà xuống tìm kiếm thức ăn ở những đám lau sậy, cỏ lác tại sông Đầm, thuộc hai xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, TP Tam Kỳ.
Phía đông con sông, chính quyền trồng hàng nghìn cây dừa nước cao gần một mét, xung quanh bèo, súng mọc dày đặc nên có nhiều cá tôm sinh sống, thu hút vịt trời đến kiếm ăn.
Chim hoang dã về sông Đầm trú ngụ bị thợ săn giăng lưới bắt. Video: Đắc Thành
Bất chấp lệnh cấm của chính quyền, nhiều thợ săn vẫn dùng lưới tàng hình đánh bẫy chim trời. Trong rừng dừa nước, họ cắm cọc tre cao hơn 3 m thành hàng dài rồi treo lưới "tàng hình" dài hơn 200 m, rộng hơn 1m để bẫy chim bay qua.
Khu vực đất ngập nước nên thợ săn thường chèo ghe vào giăng lưới. Loại lưới bẫy sợi nhỏ nên chim khó phát hiện. "Chim dính bẫy nhiều nhất trong đêm tối. Khi mắc lưới, chúng càng vũng vẫy thì càng bị siết chặt. Có con bị mắc chân, con mắc cánh, mắc đầu vào lưới", một người dân cho biết.
Cũng trên sông Đầm, phía sau trụ sở Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam ở phường An Phú có hàng trăm mét lưới giăng trên cỏ lác. Những hàng lưới dài 50 m màu trắng, đen, xanh nối nhau tạo thành ma trận bẫy chim. Cứ sáng sớm, thợ săn lại chèo ghe ra bắt chim dính bẫy bán cho nhà hàng, quán nhậu.

Một con vịt trời bị mắc vào lưới. Ảnh: Đắc Thành
Người dân phản ánh tình trạng đánh bắt chim trời diễn ra nhiều tháng nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch phường An Phú, cho rằng việc săn bắt chim trời mới diễn ra và "do một vài người thỉnh thoảng làm". "Phường phát hiện hai vụ giăng lưới bắt chim, mỗi lần thu một tấm lưới dài vài chục mét. Lưới thu về nhưng không phát hiện được người vi phạm để xử lý", ông Trí nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch TP Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam cho biết nhiều năm qua thành phố đã yêu cầu cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, tuyên tuyền không săn bắt chim trời để bảo vệ hệ sinh thái sông Đầm, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. "Sau khi tiếp nhận thông tin, thành phố sẽ chỉ đạo các xã, phường kiểm tra và đề nghị công an tham gia xử lý", ông Nam nói.
Hồi tháng 8, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ra chỉ thị tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, trong đó thừa nhận có tình trạng buôn bán, săn bắt chim hoang dã, di cư bằng bẫy lưới.

Lưới "tàng hình" được thợ săn giăng trên sông Đầm bắt chim. Ảnh: Đắc Thành
Sông Đầm rộng 200 ha, mực nước sâu trung bình 1,6 m, lưu vực xung quanh khoảng 650 ha. TP Tam Kỳ đã bố trí 8,9 tỷ đồng ngân sách để trồng nhiều loại cây bản địa như lộc vừng, tre đồng, sậy, dừa nước trên diện tích 22 ha nhằm phục hồi hệ sinh thái sông Đầm.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho thấy sông Đầm có 31 loài chim, trong đó cò ốc nằm trong sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, còn có 81 loài động vật có xương sống thuộc 53 họ và 20 bộ.

Sông Đầm phủ kín bèo, cây cỏ, lau sậy, thu hút nhiều loại chim hoang dã đến cư trú. Ảnh: Đắc Thành
Theo quy hoạch TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái và phát triển du lịch. Thành phố đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái sông Đầm, thực hiện trong năm 2024.
Ngoài đầu tư hạ tầng, thành phố cũng đề nghị tỉnh xem xét thống nhất chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam tại sông Đầm rộng 6 ha; thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ trình Chính phủ thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm.