Chiều 4/7, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Trà Vinh cho biết đã cung cấp toàn bộ tài liệu, hồ sơ dự án đường số 1 cho Cục Phòng chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) theo yêu cầu của đơn vị này.
Theo hồ sơ, tháng 8/2006, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt đầu tư dự án đường số 1 dài 2,2 km, rộng 19 m với kinh phí hơn 141 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Công trình do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, thu hồi 28,3 ha đất của 253 hộ gia đình và ba tổ chức.
Tuy nhiên sau đó, dự án được điều chỉnh bề rộng con đường lên 26 m và bổ sung dự toán thêm gần 15 tỷ đồng. Quá trình thi công, đường bị nắn cong và kéo dài thêm 800 m so với phê duyệt, dự toán kinh phí phát sinh hàng chục tỷ đồng.
Việc này khiến đường đi qua 41.000 m2 đất của 20 cán bộ ở Trà Vinh, trong đó gần 21.000 m2 bị thu hồi, phần còn lại lồi ra mặt tiền đường. Trong số các cán bộ hưởng lợi, 8 người là cán bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh, sở hữu 17.000 m2 (giám đốc Phan Thanh Sơn hơn 7.300 m2); diện tích bị thu hồi 6.200 m2...
Ngoài ra, chủ hai nhà thầu thi công tuyến đường cũng sở hữu đón đầu hơn 40.000m 2 đất trong vùng dự án này.
Năm 2009, Thanh tra tỉnh vào cuộc, xác định những sai phạm trên có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân; có dấu hiệu cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.
Những cán bộ này bị coi cố tình thực hiện dự án với vị trí và quy mô sai chủ trương và quy hoạch. Một số cán bộ đã cố tình làm thay đổi vị trí, quy mô dự án với mục đích "nắn" con đường vào khu đất của mình nhằm hưởng lợi.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, Sở Giao thông Vận tải đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực trúng thầu.
Trong vụ việc này, Thanh tra tỉnh xác định trách nhiệm chính thuộc về ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (đại diện chủ đầu tư). Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Hoàng, Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông (hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh) phải chịu trách nhiệm chung về các sai phạm từ chủ trương, quy hoạch, quá trình xét thầu...
Thanh tra tỉnh Trà Vinh xác định ngay từ khâu lập dự án đến quá trình thực hiện dự án đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng với những dấu hiệu lợi ích nhóm. Cơ quan này đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ nhưng rơi vào "im lặng". Sau đó, ông Sơn bị kỷ luật cảnh cáo, nghỉ hưu.
Công trình bị ngưng trệ thời gian dài, đến năm 2015 mới tái khởi động và tiếp tục mời thầu giai đoạn 2, quy mô được điều chỉnh nhỏ hơn. Vì còn khó khăn nên tỉnh Trà Vinh chuyển sang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Theo đó, một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh bỏ vốn xây dựng. Khi công trình hoàn thành, doanh nghiệp sẽ được giao hơn 34.400 m2 đất hai bên đường để thu hồi vốn. Cuối năm 2018, việc thi công hoàn thiện nhưng do hợp đồng BT trái quy định nên Sở Giao thông Vận tải không giao được đất như cam kết.
Đến nay, dự án chưa được nghiệm thu, quyết toán. Hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa được giải quyết tái định cư.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết đây là vụ việc khó, cần tập trung giải quyết vì đã kéo dài hơn 10 năm trước. Trước mắt tỉnh mới tạm ứng một phần kinh phí giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng đường.
Theo ông Hẳn, sau khi địa phương báo cáo, cuối năm 2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các bộ liên quan hỗ trợ Trà Vinh giải quyết vấn đề này.
"Phía tỉnh cũng vừa báo cáo Trung ương phương án xử lý vụ việc", người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh nói và cho biết về yêu cầu của Cục Phòng chống Tham nhũng, phía Thanh tra tỉnh đã thực hiện, chờ phản hồi.
Cửu Long