![]() |
Khu vực quy hoạch dự án. Đường xanh là đoạn đê tả ngạn sông Hồng cũ. Đường đỏ là đoạn đê thay thế, nằm gần sông Hồng. |
Khu đất mà kỹ sư Nguyễn Thế Cường, Phó tổng giám đốc VIGLACERA, nói tới thuộc 4 xã Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối, Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nơi đây là một vùng đất hoang, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, có 3 cây cầu bắc qua và nằm dọc ven sông theo hướng chủ đạo là đông nam. Theo nhận định của ông Cường, địa thế này rất lý tưởng để trở thành khu đô thị. Dân cư ở đây sống thưa thớt, không ổn định, bờ bãi được đào đắp, khai thác sử dụng tự do không có quy hoạch, nhiều lò đốt gạch thủ công mọc lên gây ô nhiễm môi trường. Nếu không có sự quy hoạch quản lý, khu đất này sẽ bị lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích, trở thành các “xóm liều” tương lai.
Trước hiện trạng này, kỹ sư Cường đã hình thành ý tưởng xây dựng một đoạn đê bê tông thay cho đê đất cũ cổ truyền, vừa đảm bảo an toàn vững chắc, vừa tiết kiệm diện tích đất xây dựng đê và chi phí quản lý đê hàng năm. Kết hợp với việc dịch chuyển vị trí đê hợp lý ra sát bờ sông, biến khu đất trồng hoa màu kém hiệu quả thành đất đô thị, có thể quy hoạch thành một khu đô thị mới hiện đại, nằm đối xứng với bờ nam sông Hồng.
Dự án có nội dung chính sau:
1. Xây một đoạn đê bê tông cốt thép chịu lực đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của đê.
2. Chọn vị trí thích hợp để xây dựng đê bê tông gần bờ sông, vừa đảm bảo dòng chảy (sao cho lòng sông lớn hơn 1 km), vừa chống xói lở khi lũ lụt. Theo tính toán, chiều dài của đoạn đê mới là 6.650 mét thay cho 7.500 mét đê đất cũ.
3. Phá đê cũ, tận dụng khoảng 1,5 triệu m3 đất dùng để san nền và sản xuất gạch ngói; giải phóng mặt bằng thân đê. Nâng cao giá trị sử dụng đất phía trong con đê cũ.
4. Quy hoạch xây dựng một khu đô thị mới hiện đại với tổng diện tích khoảng 635 ha, trên mặt bằng giải phóng thân đê cũ và diện tích đất bỏ hoang. Giải quyết chỗ ở mới cho khoảng 200.000 người.
5. Làm đường bê tông ngoài đê và mở cửa khẩu, đảm bảo việc giao thông trong khu vực đô thị mới và giao thông đường sông phía bên ngoài.
Ông Cường cho biết do Hà Nội đã có dự án kè sông và xây dựng đường giao thông hai bên bờ sông Hồng. Nếu dự án đó được thực hiện, thì công trình đê bê tông này càng có điều kiện để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ.
Theo tính toán sơ bộ của ông, tổng chi phí của dự án (bao gồm giải phóng mặt bằng, san nền xây dựng đê bê tông, xây dựng đô thị và hạ tầng khu đô thị…, thì cần khoảng 3.532 tỷ đồng.
Dự kiến nhượng quyển sử dụng đất để xây dựng nhà ở trong khu quy hoạch (chiếm 21% tổng diện tích đất) với giá khoảng 5 triệu đồng/m2, sẽ thu được khoảng 6.679 tỷ đồng. Tất nhiên số tiền này còn phải dùng để chi trả các khoản chi phí quản lý, lãi suất tiền vay vốn đầu tư, đóng các loại thuế… Như vậy, từ nguồn nhượng quyền sử dụng đất, ta đã có dư tiền để thực hiện dự án. Ngoài ra, còn có thể huy động từ các nguồn khác.
Một lợi ích nữa là việc giải phóng mặt bằng sẽ cực kỳ thuận lợi, bởi nơi đây chưa bị xây dựng nhà cửa lộn xộn, đất đai chưa bị lấn chiếm. Hiện mới chỉ có hai xóm nhỏ với số dân không nhiều, đã có một số nhà ở và công trình xây dựng trái phép. Nếu dự án được triển khai nhanh, sẽ tránh được hiện tượng nhà cửa ồ ạt lấn chiếm đất.
(Theo Khoa Học Và Đời Sống)