Tesla là hãng xe mới nhất trở thành nạn nhân của nạn phá hoại mà thủ phạm rất khó bị xử lý. Theo New York Post, những khiếu nại từ các chủ xe bị chuột phá đối với hãng xe Mỹ đang tăng và giờ đây trở thành mối lo lớn với nhiều người.
Cố vấn dịch vụ Tesla, Jose Solis nói trong một email gửi một khách hàng chịu ảnh hưởng: "Phần lớn các hãng xe sử dụng đậu tương để làm lớp cách nhiệt dây diện trên các mẫu xe mới bởi vật liệu này rẻ hơn và tốt hơn đối với môi trường. Việc sử dụng vật liệu này không thể được coi như lỗi thiết kế hoặc lỗi sử dụng. Cần cân nhắc tới rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của Tesla và chúng tôi không thể bảo hành hoặc sửa chữa". Vị khách hàng này từng báo rằng đã mất hai tháng không có xe sử dụng chỉ vì bị chuột phá.

Con chuột rơi ra khỏi hộc đựng găng khi chủ nhân của chiếc Tesla Model 3 đưa xe đi sửa điều hòa. Ảnh: NYP
Khoảng một thập kỷ qua, ngày càng nhiều hãng xe chuyển sang dùng dây điện với lớp cách nhiệt bằng đậu tương thay vì các chất dẫn xuất từ dầu vốn được sử dụng bao lâu nay. Chi phí rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường, nhưng đậu tương lại khiến hệ thống dây điện trên ôtô trở thành mồi ngon của loài gặm nhấm.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi xe bị hư hỏng hệ thống điện do chuột phá hoại lại không nằm trong diện được bảo hiểm. Thậm chí nhiều hãng xe đối mặt với kiện tụng, và Tesla cũng có nguy cơ này khi xe của hãng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các thành phố lớn và đông dân. Trong thời kỳ dịch bệnh, số người đi làm ít hơn và vì thế, lượng thực phẩm thừa bị bỏ đi cũng giảm, khiến loài gặm nhấm phải tìm đến những nguồn thức ăn khác, trong đó có lớp cách nhiệt dây điện làm từ đậu tương.
Xe Tesla vốn đắt, với mẫu rẻ nhất cũng từ 35.000 USD tại Mỹ. Nhưng xe bị hỏng hệ thống điện do chuột cắn phá lại bị hãng từ chối bảo hành.

Hậu quả mà loài gặm nhấm để lại trên chiếc Model 3. Ảnh: NYP
Sarah Williams, một nhà vật lý 41 tuổi sống ở Manhattan và sử dụng chiếc Tesla để đi làm tại khu Bronx, nói rằng hệ thống điều hòa trên chiếc Model 3 đời 2018 giá 59.200 USD của cô không hoạt động. Williams đưa xe tới đại lý.
"Họ mở hộc đựng găng và một con chuột rơi ra ngoài. Thật điên rồ", Williams thốt lên. Hệ thống điều hòa chính là nạn nhân của con vật.
Nhưng khi người phụ nữ này khiếu nại, Tesla từ chối giúp đỡ. Việc sửa chữa mất gần hai tháng với chi phí hơn 5.000 USD.
Nhưng không riêng Tesla, các hãng xe khác cũng từ chối chịu trách nhiệm với những hư hỏng tương tự, cho rằng chuột cắn phá các hệ thống của ôtô là hậu quả tự nhiên và không phải lỗi của họ.
Mỹ Anh