McKinsey, công ty tư vấn quản trị hàng đầu thế giới đưa ra năm điểm nổi bật đáng lưu ý về xu hướng phát triển của việc áp dụng công nghệ trong giáo dục (edtech).
Dòng vốn vào thị trường edtech đang cao hơn bao giờ hết
Chuyển đổi số tạo áp lực khiến nhiều công ty phải liên tục nâng cao tay nghề cho nhân sự. Đồng thời, truy cập internet ngày càng tiện lợi, các công nghệ đào tạo từ xa cũng phát triển mạnh mẽ hơn. Những yếu tố này đã giúp ngành edtech bùng nổ. Năm 2021, các quỹ đầu tư đã đầu tư 20,8 tỷ USD vào lĩnh vực edtech trên toàn cầu, gấp hơn 40 lần so với năm 2010.
Sau đại dịch, các nhà đầu tư mạo hiểm tiếp tục đổ xô đến edtech vì cộng đồng giáo dục đã trở nên quen thuộc hơn với cách học này. Những thói quen học tập trực tuyến được dự đoán sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai, trở thành bình thường mới sau đại dịch.
Hợp tác giữa các công ty Edtech để tăng quy mô và hiệu quả
Các công ty edtech đang tìm kiếm những cách bền vững để giải quyết vấn đề toàn ngành về chi phí sở hữu khách hàng (CAC). M&A (mua bán và sáp nhập) đang là một phương án phổ biến để hướng tới hiệu quả kinh tế theo quy mô. Tháng 6/2021, Công ty Edtech 2U đã công bố thương vụ mua lại edX, một tổ chức giáo dục trực tuyến phi lợi nhuận do Harvard và MIT điều hành với giá 800 triệu USD. Việc mua lại này cho phép 2U tiếp cận khoảng 40 triệu người dùng đã đăng ký và hàng trăm đối tác là các trường đại học của edX. Những tài sản này mang lại cho 2U sự hiện diện đáng kể tại các thị trường tiềm năng bên ngoài Mỹ, đồng thời có thể giúp giảm chi phí khi xây dựng mô hình cấp bằng miễn phí. Những vụ sáp nhập và mua lại khác trong lĩnh vực công nghệ giáo dục cũng đang tiếp tục diễn ra, nhờ nguồn vốn dồi dào đổ vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.
Các công ty lớn chú trọng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng của nhân viên
Thị trường việc làm đang nhiều cạnh tranh, dẫn tới áp lực thu hút và giữ chân nhân tài đã trở thành một thách thức cốt lõi đối với nhiều công ty. Amazon, Walmart, Target và Google đã công bố các khoản ngân sách lớn cho đào tạo, phát triển nhân sự, như một nỗ lực để giảm tỷ lệ nghỉ việc và lấp đầy khoảng trống nhân tài. Một số tập đoàn lớn khác, như Walmart, đang kết hợp các chương trình này vào các sáng kiến đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) của họ.
Để đáp ứng nhu cầu trên, các công ty edtech tập trung phát triển các gói dịch vụ đào tạo doanh nghiệp. Những công ty như Coursera, ban đầu chỉ tập trung vào người dùng cá nhân, cũng đã tăng đáng kể doanh thu từ các khách hàng doanh nghiệp trong những năm gần đây.
Để thành công trong lĩnh vực đào tạo doanh nghiệp, các công ty edtech có thể cung cấp các tính năng đặc trưng kết hợp giữa đào tạo và phân tích lực lượng lao động. Ví dụ: các ứng dụng có thể xác định khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động, cung cấp nội dung giáo dục để lấp đầy những khoảng trống đó; đồng thời cung cấp dịch vụ huấn luyện và định hướng nghề nghiệp để bố trí được những sinh viên mới tốt nghiệp vào với những vị trí mà họ có thể đóng góp nhiều giá trị nhất.
Ấn Độ dẫn đầu cuộc đua edtech với khát vọng toàn cầu
Trong năm 2010, Mỹ đã thu hút gần ba phần tư nguồn đầu tư edtech toàn cầu. Một thập kỷ sau, các nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang Ấn Độ.
Thị trường edtech Trung Quốc vốn nhiều tiềm năng, nhưng trước những trở ngại pháp lý ngày càng tăng, những công ty edtech nổi tiếng - bao gồm Udacity, Coursera và edX - đã chuyển trọng tâm đầu tư sang thị trường Ấn Độ. Năm 2020, thị trường Trung Quốc chiếm 63% đầu tư ngành công nghệ giáo dục, con số này đã giảm xuống dưới 13% vào năm 2021. Trong khi đó, tại Ấn Độ, đầu tư cho edtech đã tăng từ 0,2 tỷ USD năm 2016 lên 3,8 tỷ USD và chiếm 18% tổng đầu tư toàn cầu vào năm 2021. Bên cạnh đó, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ cũng là một yếu tố thuận lợi giúp các công ty edtech thành công nhanh tại thị trường này vì không cần chuyển ngữ nhiều nội dung có sẵn.
Những nhà đầu tư công nghệ giáo dục Ấn Độ lớn mạnh như Emeritus đã đạt mức định giá hàng tỷ USD và bắt đầu mua lại các công ty tại thị trường Mỹ.
Edtech tập trung hỗ trợ phát triển nghề nghiệp
Vào năm 2021, McKinsey đã khảo sát hơn 3.500 sinh viên edtech và ghi nhận nhiều người học đang có triển vọng sự nghiệp tốt và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Các phương thức mới, chẳng hạn như thực tế ảo và tăng cường, trí tuệ nhân tạo và học máy... đang tiến vào giáo dục. Tuy nhiên, các nhà cung cấp edtech không thể phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và nội dung, bởi người học muốn các dịch vụ giá trị gia tăng như cố vấn cá nhân (mentor), cần được hỗ trợ nhiều hơn như hỗ trợ tìm kiếm việc làm chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn.
Để mang lại trải nghiệm toàn diện hơn cho người học trực tuyến, một số tổ chức giáo dục trực tuyến đang phát triển mạnh những giá trị gia tăng. Ví dụ, upGrad (Ấn Độ) đã mua lại một văn phòng tuyển dụng và nhân sự để hỗ trợ việc làm cho sinh viên. On Deck (Mỹ) đã xây dựng mô hình kinh doanh cung cấp cho sinh viên khả năng tiếp cận cộng đồng thay vì chỉ bán các khóa học.
Nhìn chung, các khoản đầu tư toàn cầu vào edtech đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép trung bình 45% trong 5 năm qua và vẫn tăng 30% từ năm 2020 đến năm 2021. Đây là một lĩnh vực thú vị, nhiều tiềm năng, nhưng mới mẻ và nhiều biến động mà người tham gia cần phải theo dõi sát sao.
Nguyên Chương (Theo Mckinsey)
Tại Việt Nam, tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX là một đơn vị edtech tiên phong trong xu thế toàn cầu. Hiện FUNiX có hơn 18.000 học viên học tập công nghệ thông tin trên nền tảng trực tuyến, có sự hỗ trợ của đội ngũ cố vấn (mentor) và cán bộ chăm sóc học tập (hannah).
Bên cạnh đào tạo trực tuyến, FUNiX còn phát triển mạng lưới đối tác tuyển dụng, cung cấp dịch vụ hỗ trợ đầu ra cho người học kết nối với gần 100 doanh nghiệp IT. FUNiX đồng thời là đối tác giáo dục của nhiều trường đại học quốc tế như CityU (Mỹ), Deakin (Australia), rút ngắn thời gian học tập cho sinh viên muốn lấy bằng quốc tế, đồng thời là đối tác chính thức của Udemy - nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu thế giới.