Mới du nhập vào Việt Nam và rộ lên tại Hà Nội vào mùa giáng sinh vừa qua, nhưng thú nuôi Hamster (chuột lông xù nhập từ Hà Lan) đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Tại cửa hàng bán Hamster trên phố Ngọc Hà (Hà Nội), nhiều bạn trẻ tranh nhau chọn những con chuột không đuôi, chân và thân ngắn, lông dài và xù lên như cục bông gòn nhiều màu sắc, có thể làm xiếc rất ngộ nghĩnh về nuôi hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Chị Lan, ở phố Trương Định, phải mất công đi xa để tìm mua Hamster cho cô con gái đang học lớp 9. Cầm con chuột bé xíu trong tay, chị vui vẻ cho biết: "Con bé nhà tôi thấy bạn bè đổ xô đi mua Hamster, nằng nặc đòi mẹ mua bằng được. Vào cửa hàng mới thấy bọn trẻ tranh nhau mua nhiều quá, tìm mãi mới được một con màu vàng ưng ý".
Những chú Hamster trấng muốt thường được các bạn nữ yêu thích. Ảnh: Hamstervn.net |
Anh Trung, chủ cửa hàng này, cho biết, năm nay là năm con chuột nên trước Tết, khá nhiều teen và phụ huynh đến xem, đặt mua Hamster. Bán chạy nhất là loại Campell, Bear, Robo và Panda. Giá bán khoảng 150.000-300.000 đồng một con tùy theo màu sắc. Màu vàng của loài Campell và màu trắng pha vàng của Bear được các teen rất yêu thích. Loại Panda trắng giá lên tới một triệu đồng.
Linh Thư, ở khu tập thể Thành Công đã sở hữu bốn chú Hamster nhưng vẫn thích nuôi một đôi giống Robo nữa. Thư chia sẻ: "Loại Campell hiền hòa, gần gũi với người hơn. Mỗi lần mình chìa tay ra, chúng chạy sà vào mình, dũi cái miệng đòi ăn, đòi uống sữa. Nhưng mình thích một đôi giống Robo hoặc Panda, nó hiếu động, tinh nghịch và rất thông minh. Tuy nhiên, mức độ huấn luyện rất khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn".
'Công phu' chơi Hamster
Yêu thích Hamster, các bạn trẻ còn lập cả một diễn đàn để trao đổi các thông tin về cách chăm sóc, cho ăn thế nào để không bị dị ứng, tiêu chảy, rụng lông; cách tắm rửa, vuốt ve cho đúng cách, huấn luyện hoặc chia sẻ những cảm xúc yêu mến với Hamster.
Một thành viên có nick name Sese cho biết: "Nuôi Hamster không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn và hiểu biết. Không nên cho chúng ăn quá nhiều thực phẩm giàu calo, chúng sẽ dễ phát phì, lớp mỡ dưới da quá dày dẫn đến rụng lông. Cứ 2 hoặc 3 ngày phải thay nước uống và làm vệ sinh chỗ ở cho chúng".
Các bạn trẻ thường tự thiết kế cho chuột những đồ chơi. Ảnh: Hamstervn.net |
Mua Hamster, các "thượng đế" còn phải mua một loạt phụ kiện đi kèm như đồ chơi, thức ăn, bình nước, cát tắm thơm, đồ ủ ấm…, chỉ riêng chiếc lồng nhập từ Mỹ cũng có giá gần 500.000 đồng. Nếu chọn một con chuột đẹp và đầy đủ các phụ liệu cần khoảng 2 triệu đồng, còn con chuột và phụ liệu trung bình, người chơi cũng mất khoảng một triệu đồng.
Một bạn trẻ có nick name Kun89 còn làm cho chú chuột của mình một ngôi nhà rất công phu bằng những que kem, rồi xích đu... "Loại chuột này rất thích chơi trò nhào lộn, nếu không có đủ đồ chơi, chúng sẽ bị stress và tử vong", Kun chia sẻ.
Bạn Đức Thành cho biết: "Thỉnh thoảng chúng đứng hẳn trên hai chân, khoanh tròn chân trước và mở đôi mắt tròn to nhìn chủ nuôi, hoặc chạy vòng quanh như những vận động viên rất ngộ nghĩnh. Từ ngày nuôi Hamster, tôi bỏ được thói quen chơi game và lên mạng "chát chít" tán gẫu vô bổ".
Theo bà Nguyễn Thị Vương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giống chuột này ăn khá nhiều, khi ăn, hai túi dự trữ ở hai má nên phình ra. Chuột Hamster khá giống với chuột Lang nên dễ bị nhầm, nhưng Hamster ăn các hạt ngũ cốc, còn chuột Lang ăn các loại củ quả.
"Chuột Hamster có tính gặm nhấm khá mạnh, có thể cắn cả gỗ và đồ, vì thế người nuôi nên nhốt chúng trong lồng, không nên thả ra tự nhiên", bà Vương cảnh báo. |
Anh Thư