Cao 15 cm với phần mũ màu nâu vàng hoặc xanh, nấm tử thần có hương vị khá ngon, theo lời kể của những người vô tình ăn phải chúng và sống sót. Tuy nhiên, chất độc sau đó có thể gây nôn mửa, co giật, tổn thương gan nghiêm trọng và tử vong. Hoàng đế La Mã Claudius được ghi nhận đã chết vì ăn loại nấm này vào năm 54 sau công nguyên. Hoàng đế La Mã Charles VI cũng tử vong vì lý do tương tự năm 1740. Ngày nay, hàng trăm người chết vì ăn loại nấm này mỗi năm.
Khi ăn phải nấm tử thần (Amanita phalloides), các nạn nhân không biểu hiện triệu chứng trong ít nhất 6 giờ, đôi khi là 24 giờ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lành tính hơn như cúm, dạ dày.
Nếu bệnh nhân bị mất nước, các triệu chứng có thể thuyên giảm, song chất độc tiếp tục ngấm ngầm lan trong cơ thể, phá hủy lá gan. Trường hợp không được điều trị kịp thời, đúng cách, nạn nhân có thể bị suy nội tạng nhanh chóng, hôn mê và tử vong.
Theo Helge Bode, nhà hóa học tại Viện Vi sinh vật trên cạn Max Planck, alpha-amanitin trong nấm mũ tử thần là một trong những hợp chất nguy hiểm nhất có trong tự nhiên, không thể loại bỏ sau khi nấu chín, đun sôi hay bất kỳ phương pháp nấu ăn thông thường nào.
Sau khi ăn nấm, khoảng 60% alpha-amanitin sẽ di chuyển trực tiếp đến gan. Cả tế bào gan bị nhiễm độc và khỏe mạnh đều thải alpha-amanitin vào mật. Túi mật tiếp tục giải phóng alpha-amanitin vào ruột, cùng với muối trong mật. Ở phần cuối của ruột non, mật tái hấp thu trở lại gan. Alpha-amanitin tái nhập vào gan, lặp lại chu trình nhiễm độc.
40% alpha-amanitin còn lại đi thẳng đến thận - cơ quan xử lý chất thải trong cơ thể. Thận khỏe mạnh chiết xuất alpha-amanitin từ máu và đưa chúng đến bàng quang. Cho đến khi thận thải hết lượng chất độc cuối cùng, alpha-amanitin tiếp tục gây hại cho gan. Thận chỉ có thể tiếp tục hoạt động nếu nạn nhân được cung cấp đủ nước.
Thuốc giải đến từ hãng máy ảnh
Gần đây, giới chuyên gia đã tìm ra loại thuốc tiềm năng, có thể giải độc cho người không may ăn phải nấm. Họ tìm ra con đường sinh hóa cần thiết để độc tố alpha-amanitin xâm nhập vào tế bào và làm gián đoạn con đường đó. Thuốc có tên indocyanine, được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 16/5.
Đây là phương pháp từng giải được nọc độc sứa, do tiến sĩ Qiaoping Wang, Qiaoping Wang, Quảng Châu phát triển. Đầu tiên, các chuyên gia dùng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 tạo ra một nhóm tế bào người, mỗi tế bào có một đột biến ở một gene riêng biệt. Sau đó, họ kiểm tra xem đột biến nào giúp tế bào sống sót khi tiếp xúc với alpha-amaniti.
Các nhà khoa học phát hiện tế bào khuyết thiếu enzyme có tên STT3B tồn tại được trước alpha-amanitin. STT3B là một phần của con đường sinh hóa bổ sung các phân tử đường vào protein. Làm gián đoạn con đường sinh hóa này sẽ ngăn chặn alpha-amanitin xâm nhập vào tế bào, ngăn độc tố tàn phá hoàn toàn các cơ quan.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là sàng lọc khoảng 3.200 hợp chất hóa học, tìm kiếm hợp chất có thể ngăn chặn hoạt động của STT3B. Trong số các hợp chất đó, họ phát hiện indocyanine green, loại thuốc nhuộm do nhà sản xuất máy ảnh Kodak phát triển những năm 1950. Hợp chất này được sử dụng trong hình ảnh y tế, để hình dung các mạch máu trong mắt và lưu lượng máu ở gan.
Sau khi thử nghiệm indocyanine green trên chuột, các chuyên gia báo cáo chỉ 50% con tử vong, thấp hơn nhiều so với 90% con không được điều trị.
Chuyên gia nhiễm độc Jiří Patočka, Đại học Nam Bohemia ở České Budějovice, Cộng hòa Czech, cho biết giới nghiên cứu rất hào hứng với loại thuốc giải độc mới. Họ cho rằng đây là phương pháp tiếp cận "rất hiện đại", thí nghiệm tương tự có thể xác định thuốc giải cho các vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết khó điều trị.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt indocyanine green trong ảnh chụp y tế. Hóa chất này an toàn ở liều lượng nhất định. Vì vậy, tiến sĩ Wang hy vọng có thể sớm bắt đầu thử nghiệm trên người.
Theo chuyên gia chất độc Félix Carvalho, Đại học Porto, chìa khóa của nghiên cứu là thời gian. Indocyanine green phát huy tác dụng nếu dùng cho bệnh nhân trong 4h sau khi tiếp xúc alpha-amanitin. Tuy nhiên, hầu hết người ăn phải nấm tử thần không đến bệnh viện trong vòng 24 đến 48 giờ vì ít triệu chứng. Lúc này, tình trạng của họ có thể đã nghiêm trọng.
Thục Linh (Theo Nature, Slate)