Chiều 27/11, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội Phùng Quang Thức cho hay, thành phố có 5 điểm công cộng có biểu hiện mại dâm.
Đó là các điểm: đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, Dốc Bác Cổ (Hoàn Kiếm); phố Yesin - Vườn hoa Paster, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng, bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai); công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm) và đường Liễu Giai (Ba Đình). Đối tượng nghi có hoạt động mại dâm tại các địa bàn này thường đứng chờ khách đến hỏi hoặc chạy xe máy bắt khách.
Cơ quan quản lý cũng nêu 10 điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai); ngã ba Ba La gần Cao đẳng Thương mại (quận Hà Đông); khu vực chùa Tổng - La Dương (phường Dương Nội, quận Hà Đông); đường 70 Tân Triều - đường Kim Giang (Thanh Trì); ngã ba Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, Thanh Trì)...
Trả lời câu hỏi vì sao khu vực phố Trần Duy Hưng không bị liệt kê, ông Thức cho biết cơ quan quản lý nhiều lần khảo sát ở khu vực này. "Phố đó toàn là nhà nghỉ, không nhìn thấy nhân viên, không thấy tiếp viên. Bảo là điểm mại dâm thì chính quyền địa phương không nhận, họ nói phải bắt được", ông Thức nói.
Cũng theo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, sau 3 năm triển khai phần mềm quản lý gái mại dâm, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Trong số hơn 2.000 gái mại dâm hoạt động trên địa bàn, hiện phần mềm chỉ cập nhật được 472 người. Họ đều vi phạm hành chính, bị xử lý.
Trước đây khi đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục bắt buộc, việc xác định, thống kê số liệu rất chính xác. Tuy nhiên, theo ông Thức, từ khi thực hiện quy định mới chỉ xử lý hành chính (không đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục), cơ quan chức năng rất khó thống kê đầy đủ số liệu.
"Hiện để thống kê được người bán dâm, chúng ta chỉ căn cứ vào hành vi mại dâm thông qua các vụ án", ông Thức nói và cho biết Sở Lao động Thương binh và Xã hội (đơn vị quản lý Chi cục) sẽ đề nghị các cơ quan chức năng gửi thông tin cụ thể việc xử lý hành chính người bán dâm để cập nhật vào phần mềm.
Thống kê của các cơ quan chức năng, TP Hà Nội có gần 5.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Trong đó, 3.500 cơ sở lưu trú; trên 1.100 quán karaoke; 836 cơ sở xoa bóp; 2 vũ trường; 44 bar có sử dụng rượu mạnh; 11 cơ sở cắt tóc, gội đầu thư giãn; 111 cơ sở cà phê, nhạy cảm; 128 cơ sở tắm nóng lạnh...