Ngày 13/12, ảnh hưởng áp thất nhiệt đới kèm mưa kéo dài khiến nước từ thượng nguồn đổ về dồn dập, gây ngập nhiều nơi ở Bình Định. Huyện Tuy Phước lũ dâng cao, có nơi gần một mét. Riêng vùng thấp trũng ở xã Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Nghĩa có hàng chục hộ dân bị cô lập.
Đường sá hư hỏng, nước lênh láng khiến giao thông bị chia cắt. Ngành giáo dục huyện Tuy Phước cho hơn 24.000 học sinh các cấp nghỉ học để đảm bảo an toàn. "Rút kinh nghiệm từ các trận lũ trước, chúng tôi chủ động đưa gia súc, tài sản có giá trị đến nơi cao ráo; có người mang cả bò lên trung tâm huyện tránh lũ", dân địa phương cho hay.
TP Quy Nhơn và thị xã An Nhơn cũng bị nước lũ nhấn chìm, đời sống người dân đảo lộn.
Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay, hôm nay toàn tỉnh có mưa giông; lượng mưa cao nhất là 260 mm và thấp nhất 170 mm; nước tại các sông dâng cao, mức báo động cấp 1, cấp 2 và có nơi trên báo động 2.
Tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương thông báo tình hình, sẵn sàng ứng phó lũ và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. "Ở những vùng trũng dân bị cô lập, lực lượng tới tận nơi cung ứng lương thực, hỗ trợ không để người dân đói", Phó chủ tịch nói và cho biết đây là đợt lũ thứ 4 tính từ tháng 11 tới nay.
Tại Phú Yên, nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa cũng bị ngập. UBND tỉnh có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thông báo mực nước các sông lên cao, nguy cơ lũ. Ở những nơi thấp trũng, chính quyền phải đảm bảo sơ tán người dân ra nơi nguy hiểm.
Quanh các khu vực ven sông, núi phải cử lực lượng túc trực và thường xuyên theo dõi để hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh.
Lãnh đạo UBND Phú Yên cho hay, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp mưa kéo dài cùng với xả lũ, trong đêm nay các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và cả TP Tuy Hòa sẽ bị ngập. Theo đó, thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 6.000m3/s, còn thủy điện sông Hinh xả 2.400m3/s. Các thủy điện đang xin tăng lưu lượng xả lũ vì nước thượng nguồn đổ về nhiều.
Tại Khánh Hòa, hôm nay TP Nha Trang, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh... chìm trong lũ. Đường sá, nhà dân, bệnh viện, trường học ngập sâu, có nơi cao đến gần một mét. Học sinh các cấp phải nghỉ học đảm bảo an toàn.
Mưa lũ làm đất đá kèm cây trên đồi đổ xuống, khiến ngôi nhà bà Đỗ Thị Em (78 tuổi) bị sập. Ba bà cháu đang ngủ chạy thoát được ra ngoài, tài sản chôn vùi. Cây cối, đèn chiếu sáng trên đường Phạm Văn Đồng ngã rạp, khiến giao thông bị chia cắt.
Nhiều điểm đi qua Quốc lộ 1A bị sạt lở, mặt đường bong tróc từng mảng bêtông, có đoạn với diện tích 250 m2 ở TP Cam Ranh. Nhiều tuyến kè bị lũ cuốn trôi, hở hàm ếch, còn dải phân cách qua xã Vĩnh Lương (Nha Trang) ngã đổ, bị ngập gây chia cắt giao thông.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông nên các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa to. Tổng lượng mưa trong ngày 13/12 từ 50-100 mm; ở Bình Định là 187 mm, Khánh Hòa 230 mm...
Theo đơn vị này, trong ngày mai các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng xuất hiện đợt lũ vừa và lớn. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Ngãi tới Khánh Hòa ở mức báo động 2-3, có nơi báo động 3; riêng các sông từ Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận ở mức báo động 2-3 có nguy cơ lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất với cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Trong năm nay, lũ lụt nhiều đợt đã làm 19 người ở Bình Định tử vong, hai mất tích. Quảng Ngãi 10 người chết và 4 mất tích. Phú Yên 6 người tử vong; Khánh Hòa 3 người chết. Hàng nghìn ngôi nhà, hoa màu người dân chìm trong nước, bị tàn phá.