Dịp Tết, Nam Thư bận rộn với các suất diễn vở Bật công tắc là yêu ở sân khấu Thế Giới Trẻ (TP HCM). Đầu năm, diễn viên nhận Huy chương vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 với vai Nương trong vở Ngược gió do Tiết Duy Hòa đạo diễn.
- Sân khấu kịch nhiều tháng qua "đóng băng", gặp khó khăn vì dịch, vì sao chị luôn gắn bó?
- Cát-xê sân khấu kịch không nhiều như ở các lĩnh vực khác của ngành giải trí. Hiện tôi hoạt động ở sân khấu Thế Giới Trẻ, thù lao chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi suất. Dù thế, tôi vẫn bám trụ, hết mình với nghề. Khó khăn thế nào, có lẽ, tôi không bao giờ từ bỏ sân khấu. Gần đây, tôi bận rộn với vai trò diễn viên, đạo diễn web drama nhưng luôn cố gắng sắp xếp để được bước lên sân khấu. Việc tương tác trực tiếp, theo dõi cảm xúc của người xem tại chỗ cho tôi biết mình làm tốt hay không. Tôi có thể kiếm thu nhập lớn hơn từ việc đóng phim, quảng cáo... nhưng luôn xác định phải có nơi để trui rèn diễn xuất thì tay nghề mới nâng cao được.
Một thời gian dài mọi người nhớ tôi nhiều qua các web drama với hình ảnh diễn viên hài. Hồi tháng 1, tôi hạnh phúc vì sau 16 năm diễn kịch có được giải thưởng với vai Nương. Khi tham gia vở Ngược gió, tôi như "cá gặp nước" vì phát huy khả năng đóng vai bi. Ngày tác phẩm ra mắt, êkíp nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả, tôi biết mình đã làm được.
- Tình yêu sân khấu đến với chị thế nào?
- Tôi yêu kịch nói từ ngày còn đi học, là động lực để thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. Sau tốt nghiệp, tôi cộng tác với sân khấu Nụ Cười Mới, được nhiều đàn anh hỗ trợ nên bản lĩnh ngày một vững. Vai diễn đầu tiên của tôi là trong vở Hoàng Oanh, một vai đào chính. Lúc đó, tôi vừa nôn nao, mong muốn được thể hiện bản thân, vừa lo lắng vì không biết phản ứng của khán giả thế nào. Những cảm xúc đó đã nuôi dưỡng, giúp tình yêu sân khấu trong tôi lớn dần.. Đối với tôi, sân khấu kịch là thánh đường, nền tảng để có được Nam Thư của ngày hôm nay.
- Chị trải qua thử thách, khó khăn gì khi theo nghề?
- Tôi từng trải không ít va vấp, buồn, khóc, chán nản đều có. Người ta thường nói nghề dạy nghề, có cọ xát, làm việc với nhiều đồng nghiệp thì mới tiến bộ. Tôi biết ơn cố nghệ sĩ Hữu Lộc - người đưa tôi về sân khấu Nụ Cười Mới, đặt nền móng đầu tiên cho tôi ở kịch nói. Tôi từng được nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu hướng dẫn, dàn dựng cho nhiều vở diễn. Nghệ sĩ Hoài Linh, cố diễn viên Chí Tài... đều là những người tôi nể phục trong chuyên môn. Tôi thấm thía tình yêu nghề của họ, học cách làm chủ sân khấu, tung hứng với bạn diễn.
Để có vở diễn hơn một tiếng trên sân khấu là cả quá trình tập luyện suốt nhiều tháng trời. Ở điện ảnh hay phim truyền hình, nếu làm không tốt bạn có thể thực hiện lại. Với sân khấu chỉ một lỗi sai thôi có thể kéo tinh thần diễn viên xuống rất nhiều. Mỗi lần lên sân khấu tôi tập trung cao độ để không mắc sai lầm. Tôi tin khán giả là giám khảo công tâm cho hành trình làm nghề của mình.
- Hơn 16 năm gắn bó nghề diễn xuất, chị học hỏi được điều gì?
- Tôi thay đổi nhiều so với lúc mới vào nghề. Trước đây tôi hiếu thắng, hiện tôi học cách lắng nghe nhiều hơn, thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực, bồi đắp điều mình đang thiếu. Khi ngồi ghế bình luận các chương trình như Cười xuyên Việt, tôi lấy kinh nghiệm làm nghề để "truyền lửa" cho đàn em, theo cách tôi từng được các anh chị đi trước chỉ dạy.
Tân Cao