![]() |
Trương Thanh Hằng, HC vàng nội dung chạy 1.500 m ở SEA Games 23. |
Trong thập niên 90, TP HCM luôn là đơn vị đi đầu trong các giải thể thao cấp quốc gia. Cũng chính nơi đây trở thành nơi cung cấp thường xuyên hàng loạt tuyển thủ quốc gia các môn điền kinh, bóng rổ, võ thuật, bơi lội cho các kỳ SEA Games, Asiad,... Nhưng trong vài năm gần đây, thể thao Thành phố tuột dốc mà chưa thấy điểm dừng. Hầu hết các môn thế mạnh đều bị truất ngôi trong năm 2004, 2005. Thậm chí cả các nhà vô địch tuyệt đối ở môn judo, taekwondo của TP HCM cũng phải muối mặt nhìn những đồng nghiệp của mình ở các địa phương khác đăng quang. Chỉ riêng có quần vợt, cầu lông là còn duy trì được thế mạnh, nhưng cũng có chiều hướng sớm bị qua mặt nếu không kịp thời đầu tư mạnh và đúng hướng.
Năm qua, thể thao TP HCM vướng phải hàng loạt sự cố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích, cũng như uy tín. Nguyễn Bảo Huy, nhà vô địch 400 m rào quốc gia "hiện nguyên hình" với cái tên thật là Nguyễn Văn Phương, sau thời gian đội tên em trai để thi đấu từ thời thiếu niên nhi đồng. Đồng cảnh ngộ với Phương, VĐV đội tuyển trẻ quốc gia môn nhảy cao, Ngọc Thịnh cũng làm đơn xin được lấy lại tên thật: Trần Thanh Ngọc Trọng. Hoặc như vụ kiện cáo xung quanh các chuyến tập huấn ở nước ngoài của Thế hệ vàng môn quần vợt, bóng bàn,... Mới đây, các VĐV Phương Phi (xe đạp), Quang Huy, Đức Dương, Đức Doanh (quần vợt) cũng muốn rời TP HCM để chuyển sang Bình Dương thi đấu.
Thậm chí, mức độ cống hiến của TP HCM cho thể thao Việt Nam ở SEA Games 23 vừa qua cũng suy giảm nghiêm trọng. Các VĐV nơi đây chỉ góp được 8 trong tổng số 71 HC vàng chúng ta giành được tại Philipinnes. Trong đó, môn thể thao mạnh truyền thống như võ thuật chỉ có Huyền Diệu (taekwondo) bước lên bục cao nhất. Chiếc HC vàng quý giá của Trương Thanh Hằng (chạy 1.500 m) chỉ đủ làm điền kinh TP HCM đỡ áy náy với người hâm mộ hơn.
![]() |
Được trả lại tên thật, nhưng Nguyễn Văn Phương (Bảo Huy) lại mất ngôi vô địch quốc gia 400 m. |
Theo các nhà chuyên môn theo dõi sát bước tiến thể thao TP HCM, công tác quản lý, huấn luyện thiếu khoa học là nguyên nhân chính của thất bại bại này. Thấy được vấn đề, Uỷ ban nhân dân TP HCM đã chuyển ông Nguyễn Hoàng Năng, một cán bộ ngoài ngành về chấn chỉnh lại. Nhưng trong một thời gian ngắn, và cần quá trình tìm hiểu lại vấn đề nên ông Năng chưa thể tạo nên cú hích mạnh về thành tích. Vừa nhận nhiệm vụ, ông Năng lập tức bị choáng trước hàng loạt thư khiếu nại, đòi chuyển sang đơn vị khác thi đấu của các VĐV. Thậm chí cả bóng đá cũng dính vào tiêu cực khiến Sở TDTT TP HCM mất phương hướng trong việc giải quyết vấn đề. Ông Nguyễn Hoàng Năng cho biết: "Hiện tại, ngành thể thao TP HCM còn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề về cán bộ quản lý, đề án quy hoạch, chọn đối tượng đầu tư,... Không thiếu tiền, chúng tôi chỉ thiếu người tâm huyết, và các dự án được định hướng đúng đắn".
![]() |
Chỉ còn quần vợt giữ được vị thế số một. |
Suốt những ngày cuối năm 2005, Sở TDTT đã ráo riết chấn chỉnh từng bộ môn để chuẩn bị cho kế hoạch cải tổ vào năm 2006. Ban giám đốc Sở tìm hiểu cặn kẽ những thuận lợi, khó khăn của từng môn để định hướng được kế hoạch phát triển trong tương lai. Ông Nguyễn Hoàng Năng nói thêm: "Sang năm mới, chúng tôi sẽ tách bạch rõ ràng công tác quản lý và huấn luyện. Bên cạnh đó, Sở cũng chú trọng hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trình độ huấn luyện viên nhằm tạo nền móng thật vững. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch xây dựng một khu thể thao liên hợp có quy mô lớn ở Rạch Chiếc (170 ha) để tập trung mọi nguồn lực thể thao về một mối. Hy vọng, thể thao TP HCM sẽ trở lại vị thế vốn có trong vài năm tới".
Người hâm mộ thể thao đang rất kỳ vọng vào các đề án trên của Sở TDTT TP HCM. Họ lại muốn thấy các VĐV của Thành phố bước lên bục cao nhất trong các cuộc tranh tài cấp quốc gia trong tương lai gần.
Nguyễn Tuấn