Ngày 26/7, bác sĩ Vi Văn Thành, khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh, cho biết bệnh nhân được đưa đến viện vào đầu tháng 7, sau khi bị đâm khoảng 30 phút, tình trạng rất nguy kịch, miệng vết thương lớn 2x5 cm, máu chảy ồ ạt, nguy cơ cao tử vong. Kíp trực cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động bác sĩ 6 chuyên khoa mổ khẩn.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện tá tràng, đại tràng bệnh nhân đều có lỗ thủng, tĩnh mạch chủ bụng rách lớn, niệu quản phải bị đứt. Ê kíp mổ hút gần hai lít máu đỏ tươi và dịch tiêu hóa chảy tràn trong ổ bụng bệnh nhân ra ngoài, sau đó lần lượt xử trí những tổn thương, khâu nối các đoạn ruột thủng, mạch máu, niệu quản, đồng thời tạo ống thông ra da để hút dịch, nuôi ăn, truyền bù lượng máu đã mất.
Sau ba tuần chăm sóc tích cực, hiện bệnh nhân hồi phục, được xuất viện.
Theo bác sĩ Thành, ổ bụng chứa nhiều cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, tuyến thượng thận và mạch máu lớn... Khi có vết thương hoặc chấn thương, vùng này dễ dẫn đến thủng, vỡ tạng gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó, thủng tá tràng là một trong những tổn thương phức tạp và nguy hiểm, tết thương rất khó lành, dễ xì rò do dịch dạ dày, dịch mật tiết ra liên tục tàn phá thương tổn và phải điều trị kéo dài.
"Bệnh nhân may mắn được người nhà sơ cứu đúng cách, giữ được phần tạng lòi ra không bị nhiễm trùng, băng cầm máu và đưa đến bệnh viện kịp thời", bác sĩ Thành nói.
Sơ cứu vết thương bằng cách úp chiếc bát lên trên, che phủ phần tạng và ruột xổ ra ngoài rồi băng kín là cách làm đúng, đã được áp dụng từ lâu, theo bác sĩ. Đây được xem là phương án sơ cứu an toàn nhất cho người bệnh trong tình huống khẩn cấp, không có dụng cụ y tế. Trâu húc, ngã cây, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn nổ pháo, bom mìn, đả thương... là các tình huống dễ dẫn đến thủng thành bụng gây lộ ruột tạng.
Bác sĩ Thành khuyến cáo gặp trường hợp nạn nhân bị rách thành bụng, lộ phần tạng (ruột, mạch nối lớn...) ra ngoài, người sơ cứu tuyệt đối không cố gắng đè ép, đẩy tạng vào lại bên trong, hay chà rửa phần này dù tạng có bị bẩn, dính đất, cát. Hành động này sẽ khiến phần tạng tiếp xúc với môi trường bên ngoài dễ nhiễm trùng và tổn thương nặng thêm như dập ruột gây hoại tử, khiến quá trình cấp cứu, điều trị phức tạp và kéo dài hơn.
Để giúp giảm nhiễm trùng, người sơ cứu nên dùng gạc y tế sạch đậy lên trên tạng nạn nhân và tưới nước muối sinh lý liên tục. Hoặc, có thể cơ động dùng các vật tròn, cứng cáp như chén, tô, chậu nhỏ bằng nhựa, ly thủy tinh... úp lên trên miệng vết thương rồi dùng vải, quần áo băng cố định phần bát hay dùng tay giữ chặt ngoài bát, tránh tạng xô lệch, lòi ra thêm.
Tránh mở dụng cụ sơ cứu để xem lại vết thương sau khi đã băng cố định, tuyệt đối không tưới bất kỳ loại dung dịch nào kể cả thuốc sát trùng lên bên ngoài vết thương. Trường hợp trên bụng nạn nhân vẫn còn cắm dị vật cũng không được rút ra mà cần băng cố định. Sau đó, đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Thư Anh