Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng sốt cao, người lừ đừ, đau nhức cơ toàn thân và táo bón lâu ngày. Kết quả xét nghiệm xác định anh bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Phụ trách Khoa Thần Kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người bệnh bị viêm màng não do ăn phải các ấu trùng giun sán ký sinh trên cơ thể ốc sên sống. Sau đó, ấu trùng vào đường tiêu hóa, theo máu đến các cơ quan, xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây viêm não - màng não.
Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết ốc sên chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, để trở thành thực phẩm ốc phải được nuôi trong môi trường đảm bảo. Ốc sên không có độc nhưng thường ăn cỏ cây chứa nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh và ấu trùng giun sán. Chúng cũng có thể ăn phải nấm độc hoặc các loại cây bị phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc khi ăn ốc sên.
"Ốc thường chứa các protein lạ, dễ gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm. Khi ăn ốc sên nhiễm ấu trùng, người bệnh có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan, xuất huyết bàng quang, thậm chí gây tử vong”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Chỉ nên ăn ốc sên đang sống khỏe mạnh, được nuôi hoặc sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Chỉ ăn phần thịt của ốc sên và bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa. Tuyệt đối không ăn ốc sên ở dạng sống hoặc chín tái để tránh bị nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ Lê Minh Nguyệt - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyến cáo.