Câu chuyện về Lưu Khải, 14 tuổi, học sinh cấp hai trường Tuyền Đường, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và phải lọc máu đang gây bức xúc trong dư luận Trung Quốc, SCMP ngày 30/9 đưa tin.
Cậu bé bị giáo viên chủ nhiệm họ Đào phạt đứng lên ngồi xuống 200 cái vì nói chuyện riêng trong lớp ngày 12/9. Hai ngày sau, Lưu Khải vẫn rất khó chịu và đã trình bày với giáo viên thể dục rằng mình bị đau chân. Tuy nhiên, giáo viên vẫn yêu cầu em thực hiện bài chạy bộ với lý do "chạy bộ chậm làm giảm đau nhức cơ, giúp phục hồi cơ bắp".
Sau buổi học, một chân của Lưu mất cảm giác. Mẹ Lưu đưa con trai tới bệnh viện nhân dân thành phố Ninh Hương. Cậu bé được chẩn đoán mắc hội chứng tiêu cơ vân cấp và tổn thương gan.
Ba ngày sau, tình trạng của Lưu Khải vẫn không được cải thiện và trở nên nguy kịch. Cậu bé được chuyển tới khoa cấp cứu bệnh viện Tương Nha, đại học Trung Nam, để truyền và lọc máu.
Hội chứng tiêu cơ vân cấp là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn, thường xảy ra khi mô cơ bị tổn thương và có thể ảnh hưởng đến nội tạng.
Cơ quan giáo dục địa phương ngày 20/9 thông báo sức khỏe của cậu bé đã ổn định, không còn nguy hiểm tính mạng và đang hồi phục.
Cơ quan đã mở điều tra, xác nhận giáo viên Đào đã bắt học sinh đứng lên ngồi xuống 200 lần. Nhà trường tuyên bố sẽ trang trải mọi chi phí điều trị. Hiệu trưởng và các giáo viên liên quan đã bị đình chỉ công tác.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người gọi hình phạt này là "quá đáng", cho rằng giáo viên Đào "quá khắc nghiệt" và "thiếu lòng nhân ái".
"Trong phòng gym, người mới tập chỉ đứng lên ngồi xuống tối đa 30 cái. Những người có kinh nghiệm làm 3-4 hiệp một ngày, tối đa 100 cái một ngày. Chỉ binh lính chuyên nghiệp mới làm được 180 cái trong hai phút", một người bình luận.
Một số người nhắc lại những hình phạt nghiêm khắc từng xảy ra tại các trường học Trung Quốc. Vụ gần nhất là giáo viên bị điều tra vì nghi ngờ đánh học sinh chấn thương sọ não ở trường tiểu học tỉnh Hồ Nam.
Hồng Hạnh (Theo SCMP/HNR)