UBND huyện Ninh Sơn ngày 3/4 cho biết đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ làm việc với trường THCS Trần Quốc Toản, xã Nhơn Sơn, để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Hôm 31/3, trường này tổ chức cho 115 học sinh khối 9 đi trải nghiệm hệ sinh thái với chủ đề "một ngày với thiên nhiên" tại vịnh Vĩnh Hy, cách trường chừng 45 km.
Theo trường, hoạt động có kế hoạch, được phụ huynh đồng thuận. Đi cùng đoàn có một phụ huynh và 18 giáo viên, nhân viên nhà trường để quản lý các em.
Buổi sáng, học sinh vui chơi, trải nghiệm tại Hang Rái, Khu bảo tồn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải. Khoảng 10h, sau khi di chuyển về khu du lịch Vĩnh Hy gần đó, tàu đáy kính đưa các em ra biển ngắm san hô.
Trở về, học sinh được hướng dẫn ra tắm trước bãi tắm của khu du lịch. Lúc này, 4 học sinh bị đuối nước. Khi được mọi người đưa lên bờ, có hai học sinh cần sơ cứu, đưa đến trạm y tế. Sau đó, các em được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu.
Đến chiều cùng ngày, một em qua cơn nguy kịch, một em không qua khỏi.
Hoạt động trải nghiệm hiện phổ biến ở các trường học trong cả nước. Đây còn là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện áp dụng đến lớp 8.
Với hoạt động này, các trường có thể tổ chức bằng nhiều hình thức, quy mô, trong hoặc ngoài trường. Nếu tổ chức trải nghiệm ở ngoài, đi xa, các trường phải làm kế hoạch, trình cấp quản lý phê duyệt và được sự đồng thuận của phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện.
Thời gian qua, việc này gây tranh cãi. Một số nhà giáo, phụ huynh cho rằng tổ chức các chuyến đi xa tiềm ẩn khả năng mất an toàn giao thông. Nhiều trường học cũng bị phản ứng do chi phí chưa phù hợp hoặc bị tố kết hợp tham quan, du lịch. Trường THPT Lê Hồng Phong, Hải Phòng, tháng trước phải dừng chuyến trải nghiệm 4 tỉnh miền Trung với chi phí 2,8 triệu đồng vì có phụ huynh không đồng tình.
Việt Quốc